(HNM) - Có diễn biến phức tạp, dịch Covid-19 dự báo là có thể kéo dài, ảnh hưởng toàn diện nền kinh tế toàn cầu cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Để “tiếp sức” cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa “vượt bão” Covid-19, các ngân hàng đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình ưu đãi.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1-2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có nhiều khởi sắc, tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết lĩnh vực hoạt động. Cụ thể, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng là 395,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Việt Nam từ cuối tháng 1-2021 đến nay đã khiến không ít doanh nghiệp mới thành lập rơi vào cảnh “đóng băng”.
Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, các doanh nghiệp không thể chờ dịch bệnh qua đi mới bắt tay vào sản xuất. Ngược lại, doanh nghiệp cần tìm hướng đi phù hợp với nhiều phương án để không chỉ tồn tại, mà còn phát triển. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các doanh nghiệp non trẻ mới thành lập, Chính phủ cần đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả và mạnh tay hơn, trong đó giải pháp cho vay ưu đãi, linh hoạt được coi là cần thiết và cấp bách lúc này.
Ngay khi dịch bệnh bùng phát trở lại ở Việt Nam, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất, triển khai các gói cho vay ưu đãi với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn, tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Tổng Giám đốc Trần Minh Bình cho biết, từ nay đến hết tháng 3-2021, VietinBank triển khai chương trình ưu đãi tín dụng đồng hành cùng ngành Thương mại, phân phối dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc ưu đãi gia tăng từ gói ưu đãi “VietinBank SME Stronger”. Chương trình có quy mô lên tới 10.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng có nhu cầu vay vốn ngắn hạn bằng VND để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, với lãi suất từ 4,0%/năm.
Ngoài ra, VietinBank còn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư dự án trung, dài hạn; doanh nghiệp không có nợ xấu trong thời gian 5 năm tại các tổ chức tín dụng sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất cố định chỉ từ 7,5%/năm. Đặc biệt, trong trường hợp 1 hợp đồng tín dụng giải ngân nhiều lần, các khoản giải ngân trong thời gian triển khai chương trình, khách hàng sẽ cùng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi và thời hạn ưu đãi lãi suất theo giấy nhận nợ đầu tiên.
Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) cũng công bố chương trình “SME - Tiếp vốn đầu tư”, với thời gian kéo dài đến 30-6-2021 và lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm. Theo Tổng Giám đốc ABBANK Lê Hải, chương trình được triển khai nhằm mang đến giải pháp tài chính hiệu quả, phục vụ đa dạng nhu cầu vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với những khách hàng thuộc nhóm khách hàng ưu tiên của ABBANK có nhu cầu vay ngắn hạn còn được tham gia chương trình ưu đãi lãi suất “Tiếp vốn nhanh - Tăng trưởng kinh doanh” với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5%/năm và nhóm khách hàng thông thường mức lãi suất vay từ 6,9%/năm. Bên cạnh đó, ABBANK cũng hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ qua 2 gói sản phẩm chuyên biệt với mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng, tỷ lệ cho vay lên đến 99% giá trị tài sản bảo đảm và thời hạn cấp tín dụng tối đa lên đến 120 tháng.
Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cũng thông báo tiếp tục giảm sâu lãi suất xuống còn 6,2%/năm trong gói SWIFT SME trị giá 5.000 tỷ đồng, dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu bổ sung vốn và đáp ứng các điều kiện tín dụng.
Nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp “vượt bão”, nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)… cũng tập trung tín dụng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, để dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có phương án kinh doanh khả thi, minh bạch tài chính. Nếu không có tài sản bảo đảm, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần để ngân hàng quản lý dòng tiền, bởi đây là cơ sở để các ngân hàng cho vay cũng như bảo đảm phương án thu hồi nợ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.