(HNM) - Ngày 5-5, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Bản tin cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2020, trong đó nhận định kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại trong những tháng còn lại của năm 2020.
Báo cáo cho biết, sau khi cầm cự khá tốt trong quý đầu của năm 2020 với mức tăng trưởng GDP ước đạt 3,8%, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy giảm do cách ly xã hội toàn quốc trong tháng 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) trong tháng 4 giảm 13,3% so với tháng 3, tương đương 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số bán lẻ cũng giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước do người tiêu dùng gặp phải nhiều xáo trộn và hạn chế đi lại. Vận tải hành khách và hàng hóa giảm lần lượt 27,5% và 7,2%.
Về kinh tế đối ngoại, báo cáo ghi nhận xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2020, nhưng chậm hơn so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4. Trong 4 tháng đầu năm nay, cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12,3 tỷ USD, giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là giá trị vốn FDI tháng 4 tăng 81% so với tháng 3 và 62% so với tháng 4-2019.
Báo cáo cho rằng, việc Fitch Ratings (một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế) điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ mức “Tích cực” sang mức “Ổn định”... đã khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của nước ta dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.