(HNMO) - Từ ngày 1-1-2018, các ngân hàng đồng loạt áp dụng phương pháp tính lãi mới. Theo đó, lãi suất được quy định thống nhất theo %/năm, một năm là 365 ngày.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cho biết, từ thời điểm trên, nguyên tắc tính lãi được điều chỉnh như sau: Tiền lãi được tính trên cơ sở số dư thực tế, lãi suất và số ngày trong kỳ tính lãi; lãi suất được quy định thống nhất theo %/năm (một năm là 365 ngày); lãi suất trong trường hợp tất toán trước hạn là lãi suất không kỳ hạn thấp nhất theo quy định của SeABank áp dụng đối với khách hàng tại thời điểm tất toán.
Các khoản tiền gửi có kỳ hạn được mở mới hoặc tái tục từ ngày 1-1-2018 trở đi sẽ được áp dụng nguyên tắc và phương thức tính lãi mới, các khoản tiền gửi có kỳ hạn được mở mới hoặc tái tục trước ngày 1-1-2018 mà có ngày đáo hạn từ ngày 1-1-2018 trở đi được tiếp tục thực hiện nguyên tắc và công thức tính lãi đã ký kết và thỏa thuận với SeABank tại ngày gửi tiền hoặc tái tục cho đến hết thời hạn của khoản tiền gửi. Đối với tiền gửi không kỳ hạn, tài khoản tiền gửi không kỳ hạn (bao gồm tài khoản tiền gửi thanh toán và tiền gửi không kỳ hạn khác) sẽ được áp dụng theo nguyên tắc và công thức tính lãi mới.
Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), đối với các tài khoản tiền gửi của các khách hàng phát sinh từ ngày 1-1-2018 (gửi mới, tái đáo hạn…), Eximbank sẽ tính lãi theo tỷ lệ %/năm (365 ngày) thay vì 360 ngày như trước. Với các khoản tiền gửi trước ngày 1-1-2018, món tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, Eximbank sẽ tiếp tục tính lãi theo phương pháp cũ là theo tỉ lệ %/năm (360 ngày) cho đến khi hết thời hạn của khoản tiền gửi.
Công thức tính lãi suất tại Eximbank. |
Với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), từ đầu năm nay, nhà băng này thay đổi cách tính lãi suất huy động, lãi suất cho vay và phí (bao gồm phí dịch vụ và phí tín dụng). Theo đó, 1 năm bằng 365 ngày thay cho cách tính cũ là 1 năm bằng 360 ngày...
Việc thay đổi trên của các ngân hàng nhằm thực hiện Thông tư số 14/2017 của Ngân hàng Nhà nước là với tiền gửi, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất một năm được xác định là 365 ngày.
Trước đây, có ngân hàng thực hiện tính, thu/trả lãi trên số ngày thực tế theo lịch (365 ngày hoặc 366 ngày), nhưng khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trên hợp đồng về lãi suất ngày thì tính trên số ngày quy ước là 360 ngày. Sự không thống dẫn này đến tình trạng vướng mắc khó giải quyết, thậm chí khiếu nại kéo dài giữa khách hàng và ngân hàng về việc áp dụng số ngày trong một năm để tính, thu/trả lãi. Vì thế, việc tính lãi suất 1 năm bằng 365 ngày sẽ bảo đảm tính thống nhất tại các ngân hàng.
Với cách tính lãi 1 năm là 365 ngày kể từ ngày 1-1 -2018, người gửi tiền sẽ không có lợi như trước bởi phần lãi sẽ được chia nhỏ ra nhưng ngân hàng có sự cạnh tranh lành mạnh hơn trong huy động vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.