(HNM) - Luôn sát cánh với doanh nghiệp, ngành Ngân hàng thực sự đóng vai trò là "xương sống" của nền kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19. Mặc dù bức tranh kinh tế tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2021 cũng như năm 2022, song đại diện các ngân hàng đều khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, tham gia phục hồi nền kinh tế.
Cho vay mới hơn 5,2 triệu tỷ đồng
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Mức lãi suất được đánh giá là thấp nhất kể từ nhiều năm trở lại đây. Những động thái kịp thời từ ngân hàng được coi như giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lũy kế từ ngày 23-1-2020, thời điểm bắt đầu xảy ra dịch Covid-19, đến cuối tháng 9-2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã cắt giảm để hỗ trợ khách hàng khoảng 27 nghìn tỷ đồng. Các ngân hàng đã cho 800 nghìn khách hàng vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch trên 5,2 triệu tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.
Tính đến ngày 7-10, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,48%). Đây là kết quả đáng mừng cho thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhu cầu vốn và cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn tăng.
Lãnh đạo Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, dự báo kinh tế vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, do đó Vietcombank đặt “mục tiêu kép” là đồng hành cùng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung vượt qua khó khăn, đồng thời nỗ lực thực hiện kế hoạch kinh doanh.
Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng đã gia tăng các biện pháp hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất cho vay và triển khai thêm những chương trình tín dụng ưu đãi được cân đối từ nguồn vốn thương mại của ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh. Dự kiến, tổng số tiền cắt giảm lợi nhuận của VietinBank nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2021 vào khoảng 6 nghìn tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK), Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)... cũng chung tay hỗ trợ doanh nghiệp với hàng trăm chương trình cho vay lãi suất ưu đãi được triển khai.
Cần thêm gói hỗ trợ doanh nghiệp
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh thông tin, gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng tương đương quy mô dư nợ hơn 100 nghìn tỷ đồng có thể sẽ được ngành Ngân hàng "bơm" ra nền kinh tế trong thời gian tới nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp... Tuy nhiên, để xây dựng cơ chế chính sách cần tính toán đến mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. “Bởi vậy, đối với các gói cấp bù lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang rốt ráo hoàn thành nhưng vẫn phải làm cẩn trọng”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, không ít doanh nghiệp đang rơi vào cảnh cầm cự, nên nguy cơ nợ xấu rất cao. Do đó, để nguồn vốn đến với doanh nghiệp thiết thực nhất, ngân hàng cần có các chương trình cho vay lãi suất thấp trong thời gian dài thay vì chỉ trong ngắn hạn.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Thanh Hà thông tin, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 12%, như vậy 3 tháng cuối năm dư địa còn 4,5%.
Ông Phạm Thanh Hà đánh giá, sang năm 2022 sẽ có nhiều thách thức, áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước theo dõi diễn biến vĩ mô để dùng các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Đại diện các ngân hàng cũng khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn nhấn mạnh, ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất tốt, cũng như sẵn sàng tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về định hướng sản xuất, kinh doanh.
Về kế hoạch trong thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Trên cơ sở mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường; tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi nhanh nền kinh tế”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.