Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng Covid-19

Hồng Sơn| 21/05/2020 19:21

(HNMO) - Đó là chủ đề cuộc tọa đàm trực tuyến do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) tổ chức chiều 21-5.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam là một trong số không nhiều quốc gia trên thế giới đã kiểm soát khá tốt dịch Covid-19. Chính phủ đã chính thức tái khởi động, phục hồi nền kinh tế. Trên thực tế, dịch bệnh gây ra nhiều tác động nguy hại cho nền kinh tế và xã hội nhưng ở chiều ngược lại, đây cũng chính là động lực thúc đẩy sự thay đổi trong đời sống và nền kinh tế.

Việc tái cấu trúc nền kinh tế sau đại dịch có rất nhiều yêu cầu, trong đó có thực hiện số hóa nền kinh tế và số hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh thương mại điện tử. Yêu cầu số hóa trong bối cảnh quốc tế hóa đang trở thành yêu cầu quan trọng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Theo ban tổ chức, Việt Nam hiện có 70 tổ chức tín dụng, chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán như ví điện tử đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet, thanh toán qua điện thoại di động. Thực tế này có ý nghĩa quan trọng, tuy so với quy mô của nền kinh tế thì vẫn là nhỏ. Ngoài ra, còn trở ngại về mặt pháp lý, thủ tục giấy tờ trong các văn bản hiện hành khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh chóng tới nhóm khách hàng tiềm năng.

Theo ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), NHNN đã đồng hành cùng doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Khoảng hơn 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đa số là các giao dịch dưới 2 triệu đồng và được thực hiện dưới hình thức giao dịch điện tử.

Để thúc đẩy kinh tế số, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng, có 2 điểm cần lưu ý. Thứ nhất, phải có cách phù hợp để đưa thêm nhiều người trở thành khách hàng của ngân hàng. Thứ hai, quan trọng hơn là khách hàng phải được thỏa mãn với những sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp.

Trong khi ngân hàng truyền thống xử lý hồ sơ tín dụng cho các doanh nghiệp mất khoảng 1 tuần, thì ngân hàng số có thể giải ngân cho doanh nghiệp chỉ sau khoảng 2 giờ bằng cách số hoá toàn bộ dữ liệu, dùng công nghệ thẩm định tín dụng.

Ông Dũng nhận định, thị trường đang tăng trưởng rất tốt. Hiện, có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày và đó là kết quả cần phát huy thời gian tới. Mục tiêu là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50% từ sau năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng số và thanh toán điện tử: Gợi mở từ khủng hoảng Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.