Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng phát triển dịch vụ bán lẻ

Hà Linh| 18/04/2021 06:23

(HNM) - Cùng với việc dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, hiện các ngân hàng có những chính sách phát triển dịch vụ bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân. Theo đại diện các ngân hàng, phát triển dịch vụ bán lẻ sẽ giúp ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu rủi ro, đồng thời góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt…

Khách giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Quang Thái

Đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động

Tập trung phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ (phục vụ khách hàng cá nhân) đang trở thành xu hướng tất yếu, được coi là chiến lược phát triển của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Thực tế cho thấy, khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, như internet banking, mobile banking liên tiếp tăng cao, chiếm đến hơn 40% giao dịch, cá biệt có ngân hàng đạt tỷ lệ hơn 80%.

Trong thanh toán không dùng tiền mặt, đã có sự dịch chuyển rất mạnh về cơ cấu giao dịch. Số liệu của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, tỷ lệ giao dịch chuyển tiền nhanh đã tăng từ 1,1% năm 2015 lên 66,6% (tính đến thời điểm hiện tại). Tỷ lệ giá trị giao dịch rút tiền mặt qua máy rút tiền tự động (ATM) giảm từ 84,4% xuống chỉ còn 5,4%, trong khi giá trị giao dịch chuyển tiền nhanh tăng 11 lần.

Theo Tiến sĩ Thái Dương, nguyên giảng viên Học viện Ngân hàng, nhờ đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ, các ngân hàng đã phát triển nhiều loại hình dịch vụ bán lẻ mới, đa tiện ích. Ngoài dịch vụ chuyển tiền nhanh, thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức huy động vốn cũng ngày càng đa dạng, linh hoạt hơn, như tiết kiệm lãi suất bậc thang, tiết kiệm dự thưởng, tiết kiệm rút lãi và gốc linh hoạt, tiết kiệm kết hợp bảo hiểm, tiết kiệm gửi góp... Tương tự, hình thức cho vay cá nhân cũng được mở rộng hơn, như: Cho vay mua nhà, mua xe ô tô, du học, chứng minh tài chính... đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân khi tích lũy chưa đủ...

Chị Trần Thanh Loan ở khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Gần đây, nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng bán lẻ khác cũng đã được triển khai như dịch vụ tài khoản, quản lý tài sản... Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, dịch vụ ngân hàng bán lẻ trực tuyến đã phát triển nhanh chóng mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng".

Tập trung chuyển đổi hoạt động bán lẻ

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nghiêm Xuân Thành cho biết, Vietcombank có chiến lược phát triển đến năm 2025 trở thành ngân hàng số 1 tại Việt Nam, một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á và nằm trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới. Trong đó, mảng bán lẻ cùng với dịch vụ và đầu tư là 3 trụ cột. “Vietcombank đã triển khai dự án chuyển đổi mô hình bán lẻ nhằm thay đổi toàn diện hoạt động này, với định hướng lấy khách hàng là trung tâm, hướng tới trải nghiệm số và gắn kết khách hàng - ngân hàng”, ông Nghiêm Xuân Thành thông tin.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. TPBank gặt hái nhiều thành công nhờ tập trung vào hai hoạt động bán lẻ là ngân hàng số và cho vay cá nhân, với việc thường xuyên đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng, nhờ đó dư nợ cho vay bán lẻ của TPBank liên tục tăng.

Còn Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Phạm Doãn Sơn cho biết, tăng trưởng kinh doanh bán lẻ của ngân hàng liên tục đạt kết quả tốt. Sau quá trình đầu tư phát triển mạng lưới, đến nay LienVietPostBank đã có thể khai thác hiệu quả, phát huy những thế mạnh riêng của mình. Cơ cấu khách hàng chuyển dịch theo đúng định hướng, tỷ trọng bán lẻ tăng trưởng ổn định, bền vững ở cả hai chiều huy động và cho vay ngay cả khi dịch Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề.

Đặc biệt, thế mạnh về mạng lưới mang đến tiềm năng và lợi thế bán lẻ lớn cho LienVietPostBank. Thông qua mạng lưới giao dịch đặt tại tất cả các đơn vị hành chính cấp huyện trên cả nước, LienVietPostBank đã có cơ hội tiếp cận nhiều đối tượng, nhiều phân khúc khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, nơi dễ bị ảnh hưởng bởi “tín dụng đen”. Các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô và sản phẩm dịch vụ chuyên biệt cho từng vùng miền của ngân hàng được phát triển đa dạng, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Định hướng bán lẻ là chiến lược phát triển lâu dài, xuyên suốt giai đoạn 2018-2023 của LienVietPostBank, với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Chia sẻ về định hướng phát triển dịch vụ bán lẻ, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích các ngân hàng đầu tư vào dịch vụ bán lẻ để phục vụ khách hàng cá nhân, cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, dịch vụ ngân hàng số được coi là trụ cột, góp phần hạn chế tiêu dùng bằng tiền mặt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp hiện tại và mang lại lợi nhuận cho ngân hàng trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng phát triển dịch vụ bán lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.