Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng đề thi chuẩn - lối thoát cho tuyển sinh?

Vũ Vân| 26/05/2013 05:50

(HNM) - Năm trường đại học ngoài công lập đề xuất phương án tuyển sinh riêng cho kỳ tuyển sinh năm 2013. Còn Bộ GD-ĐT lúng túng chưa ra được quyết định cuối cùng về đề xuất này bởi "dường như" có sự mâu thuẫn giữa phương án tuyển sinh "3 chung" đã được áp dụng hơn 10 năm nay và quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo theo Luật Giáo dục đại học bắt đầu có hiệu lực.



Nhưng sâu xa hơn, vấn đề không phải là ở chỗ các trường ĐH được tự chủ hay không mà quan trọng là tự chủ như thế nào, bằng cách gì? GS.TSKH, Nhà giáo Nhân dân Bành Tiến Long đã gợi mở câu trả lời trong cuộc trao đổi với phóng viên Hànộimới.

Chưa có phương án hay hơn “3 chung”

- Vài năm gần đây, nhiều người cho rằng “3 chung” đã hết sứ mạng. Là người cùng trực tiếp xây dựng và chỉ đạo triển khai phương án này ngay từ đầu trong nhiều năm, ông nghĩ gì về nhận định này?

- Lịch sử phát triển luôn có sự tiến hóa. Đó là quy luật tất yếu nên trong giáo dục đại học (GDĐH) nói chung, tuyển sinh nói riêng, cũng cần có sự đổi mới và một phương án mới thay cho một phương án cũ phải tốt hơn, tiến bộ hơn. Nếu bây giờ chúng ta xây dựng được một phương án tuyển sinh hay hơn, tiến bộ hơn “3 chung” thì có nghĩa là nó đã hết sứ mạng.

GS.TSKH Bành Tiến Long. Ảnh: Linh Tâm


- Tôi nghĩ rằng phải dùng từ “hoàn thành” thay cho từ “hết”, bởi có theo dõi GDĐH nhiều năm, trong đó có công tác tuyển sinh, mới thấy “3 chung” đã làm được nhiều điều.

- Đúng là “3 chung” ra đời đã giải quyết được một số vấn đề cơ bản cần phải giải quyết, nhất là bảo đảm kỷ cương trong thi cử, điều mà trước “3 chung” đang vô cùng nhức nhối. Những năm đó, cứ đến mùa thi, xã hội lại nóng rẫy với các vấn đề liên quan đến kỳ thi quan trọng đối với mỗi học sinh, đặc biệt là dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực trong thi cử khi mỗi trường tuyển sinh riêng. Nhưng chỉ sau một vài năm áp dụng “3 chung”, kỷ cương đã được lập lại, dẫu một hai năm đầu cũng vô cùng khó khăn.

- Ngoài việc lập lại kỷ cương, phương án tuyển sinh còn lập lại “trật tự” trong hệ thống GDĐH. Là Thứ trưởng phụ trách GDĐH trong nhiều năm, ông có thấy rằng, “3 chung” đã vẽ nên một “bức tranh” tổng thể về hệ thống?

- Đúng là đã có một thứ tự xếp hạng khách quan và tự nhiên các trường thông qua điểm tuyển. Tất nhiên, điểm tuyển cao không phải chỉ do trường đào tạo tốt mà còn bởi ngành đào tạo đang thu hút thí sinh nhưng ít nhiều điểm tuyển từ một kỳ thi chung cũng đã sắp xếp các trường theo một trật tự. Quan trọng hơn, “3 chung”, trong đó có điểm sàn, đã tạo nên sự công bằng cho thí sinh. Điều này rất có ý nghĩa đối với thanh niên, lứa tuổi đang nhiều hoài bão, đầy nhiệt huyết và luôn đòi hỏi sự công bằng. Việc tạo ra một sân chơi bình đẳng không chỉ “nung” thêm nhiệt huyết cho giới trẻ mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững. Tôi đã thống kê, trong những năm qua, số thí sinh trúng tuyển vào ĐH có đến 65-70% thanh niên ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hơn 51% là nữ. Họ đã được cạnh tranh sòng phẳng với những người ở nơi có điều kiện học tập tốt hơn để thực hiện ước mơ lớn nhất cuộc đời là ngồi trong giảng đường đại học. “3 chung” đã tạo cho họ sân chơi công bằng, khách quan và nghiêm túc. Việc thí sinh tự do di chuyển giữa các trường, các vùng miền một cách tự nhiên dựa trên một kết quả thi duy nhất thông qua các nguyện vọng 2, 3 mà không hạn chế “vùng tuyển” đã tạo ra “cơ chế mở” cho thí sinh.

- Phải chăng do là “cha đẻ” của “3 chung” nên ông cho rằng nó vẫn còn vai trò lịch sử trong khi nhiều người nhận định “cái áo” ấy đã quá chật?

- “3 chung” là chủ trương của lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Chúng tôi là người được giao trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện việc này. Cứ cho rằng, “cái áo” “3 chung” đã quá chật nhưng bây giờ đã “may” được một “cái áo” nào vừa vặn hơn cho công tác tuyển sinh đâu. Tôi đã nghỉ công tác quản lý nhưng vẫn theo dõi qua báo chí và thấy, năm trước, Bộ GD-ĐT cũng đã từng lấy ý kiến các trường về phương án tuyển sinh và cuối cùng, “3 chung” vẫn là sự lựa chọn của các đơn vị.

- Nhưng gần đây, một số trường ngoài công lập đã trình Bộ GD-ĐT phương án tuyển sinh riêng. Họ muốn thoát ra khỏi cái áo “3 chung” ấy để cải thiện tình hình khó khăn về tuyển sinh. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Tôi rất ủng hộ các trường chủ động trình các phương án tuyển sinh, điều đó thể hiện “tinh thần đại học” của các trường. Tôi cho rằng, khó khăn trong công tác tuyển sinh vài năm gần đây của một số trường ngoài công lập không phải do phương án thi đem lại mà là do hai nguyên nhân sau. Một là, việc giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu là đúng nhưng nếu các trường xây dựng quy mô quá lớn, tuyển sinh lại vượt chỉ tiêu, thậm chí thí sinh cứ trên điểm sàn là trúng tuyển thì các trường ngoài công lập rất khó tuyển. Điều này còn khiến cho việc Quy chế tuyển sinh quy định mấy giấy báo điểm, mấy nguyện vọng đối với thí sinh không còn ý nghĩa nữa. Hai là, việc xác định điểm sàn không nên quá cứng nhắc bởi có khi chỉ cần giảm đi 0,5 điểm thì nguồn tuyển đã có thêm hàng chục nghìn thí sinh. Trong khi điểm sàn có giảm 0,5 điểm, thậm chí 2 điểm, cũng không làm ảnh hưởng đến việc đạt các mục tiêu vì nguyên tắc xét tuyển là lấy từ trên xuống đến hết chỉ tiêu đã được công bố. Quan trọng là các trường phải có ý thức trong việc chấp hành nguyên tắc tuyển sinh, chỉ cần tuyển đến 85% chỉ tiêu là đạt mục tiêu, nếu có vượt chỉ tiêu thì cũng chỉ vượt từ 5% đến 10% là cùng, không nên vơ vét thí sinh để các trường khác không còn nguồn tuyển.

- Trong trường hợp các trường không tự ý thức được điều này, mà thực tế đã diễn ra như vậy, chẳng lẽ cơ quan quản lý bó tay sao, thưa ông?

- Các trường tự xác định chỉ tiêu, tự chủ trong xét tuyển nhưng cơ quan quản lý nhà nước phải theo dõi, giám sát, phát hiện những nơi làm sai. Quan trọng là phải quy trách nhiệm, cam kết bằng văn bản, hiệu trưởng phải chấp hành cam kết đó, công khai kịp thời, chính xác số liệu về tuyển sinh trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội và các đơn vị khác cùng giám sát. Tự chủ bao giờ cũng đi kèm theo trách nhiệm xã hội. Hiện nay, vì đào tạo theo học chế tín chỉ có sự đào thải khá nhiều trong quá trình đào tạo cho nên các trường có xu hướng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu. Không khó để kiểm tra quy mô tuyển sinh của các trường và đây là trách nhiệm của người quản lý. Phát hiện nơi nào tuyển quá chỉ tiêu cho phép, kiên quyết xử lý một vài trường hợp thì tôi nghĩ mọi việc sẽ đâu vào đấy. Khi ấy các trường tốp dưới sẽ đủ nguồn tuyển.

- Dù cho điểm sàn là bao nhiêu, thưa ông?

- Đúng thế! Bởi điểm sàn đã được xác định một cách khoa học và hợp lý trên cơ sở kết quả thi của thí sinh dự thi trong toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh, đối tượng ưu tiên, vùng miền... Các dữ liệu này đã được xử lý, tập hợp lại để ra điểm sàn. Tuy nhiên, như tôi đã nói, hội đồng xác định điểm sàn không nên quá cứng nhắc trong việc xác định điểm sàn. Điểm sàn chỉ là yêu cầu tối thiểu.

Trong hai năm đầu thi theo phương án “3 chung”, Bộ GD-ĐT duyệt điểm trúng tuyển của từng trường, ảnh hưởng đến thời gian, tính chủ động và minh bạch trong tuyển sinh của các trường. Nhiều khi, việc duyệt điểm trúng tuyển mà không có điểm sàn thì không có chuẩn mực để so sánh và phụ thuộc vào cái nhìn chủ quan của Bộ, lại còn mang tiếng cơ chế “xin - cho”. Có tình trạng, thí sinh có điểm thi rất cao nhưng lại bị trượt trường này so với các em đỗ trường khác có điểm thi thấp hơn nhiều mà lại không có cơ hội cạnh tranh và dự tuyển vào các trường khác, gây tâm lý ức chế, thắc mắc. Sau đó, điểm sàn đã ra đời để vừa bảo đảm chất lượng đầu vào vừa tạo sân chơi bình đẳng cho thí sinh và các trường, đồng thời đây chính là cơ sở để các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Tôi cho rằng, điểm sàn không có “lỗi” trong việc một số trường gặp khó khăn trong tuyển sinh. Ngoài hai lý do khách quan mà tôi vừa đề cập ở trên, còn những lý do mang tính “chủ quan” bởi trên thực tế, rất nhiều trường ngoài công lập vẫn tuyển đủ chỉ tiêu.

Cần nhanh có ngân hàng đề thi

- “3 chung” nằm trong lộ trình đổi mới thi và tuyển sinh đã được Chính phủ phê duyệt và đến thời điểm này, lẽ ra “3 chung” đã phải được thay thế bằng một kỳ thi sau THPT. Theo ông, vì lẽ gì mà công tác thi, tuyển sinh không theo đúng lộ trình ấy?

- Cái gì cũng có tính lịch sử của nó, “3 chung” cũng vậy. Nhưng chưa bỏ được “3 chung” và tiến hành một kỳ thi sau THPT để vừa làm cơ sở đánh giá tốt nghiệp vừa làm điều kiện để xét tuyển là do chúng ta chưa tổ chức được một kỳ thi đạt được những mục tiêu mà “3 chung” đã đạt được. Chúng ta đi quá chậm. Sự chậm trễ này nằm trong bối cảnh chung, khi kinh tế của chúng ta tuy có tăng trưởng về con số tương đối nhưng tính theo số tuyệt đối thì vẫn còn quá ít, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội, trong đó có giáo dục.

- Có lẽ vì sốt ruột nên các trường ngoài công lập đã xây dựng những phương án tuyển sinh riêng, trong đó có tính tới kết quả học THPT, thi tốt nghiệp và đưa vào cả cách tuyển rất hiện đại là phỏng vấn chăng?

- Tôi cũng đã đọc các phương án tuyển sinh mà các trường trình Bộ GD-ĐT xem xét, phê duyệt qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tôi nghĩ, về mặt lý thuyết, các phương án ấy đều hướng tới cách tuyển sinh hiện đại. Tuy nhiên, nhiều phương án nghiêng về kết quả học THPT và ít tính khả thi. Ví như, nếu tổ chức phỏng vấn thì riêng chuyện thời gian để tiến hành cũng đã là vấn đề. Đó là chưa kể đến những yếu tố vô cùng quan trọng là: Ai là người phỏng vấn, chuẩn mực để đánh giá khi phỏng vấn như thế nào, liệu có loại được yếu tố “nhiễu” trong phỏng vấn để đánh giá khách quan và công bằng với mọi thí sinh… Theo tôi, cần phải xác định tỷ trọng hợp lý giữa kết quả thi theo đề thi chung và kết quả học THPT. Tỷ trọng này có thể thay đổi theo từng năm hay từng giai đoạn, từng đặc điểm đào tạo của trường và vào thời điểm này, nếu hợp lý là 50/50.

- Có nghĩa là kết quả học THPT chiếm 50% số điểm xét tuyển, còn lại là điểm thi đại học và tỷ lệ này có thể áp dụng chung cho toàn quốc hay không, thưa ông?

- Đấy là khuyến nghị dành cho các trường đang xây dựng phương án tuyển sinh riêng bởi một số phương án quá nghiêng về kết quả phổ thông. Còn phạm vi toàn quốc, chưa thể làm được điều này cho đến khi chúng ta xây dựng được một ngân hàng đề thi chuẩn. Cách thi THPT hiện nay, trong đó có việc ra đề, tổ chức thi chưa bảo đảm độ tin cậy để làm căn cứ xét tuyển.

- Như những gì diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây thì đúng là kết quả thi không đáng tin cậy. Nhưng tôi chưa hiểu ý của ông nói về đề thi!

- Đây là kinh nghiệm của thế giới. Các nước tiên tiến, kể cả Hoa Kỳ, Anh… người ta vẫn phải tổ chức thi đấy chứ, chỉ có điều họ chỉ có một kỳ thi do một tổ chức khảo thí độc lập triển khai và cho kết quả tin cậy. Các trường cũng có thể sử dụng kết quả thi đó, kết hợp với một số kết quả kiểm tra khác để xét tuyển. Để có được kết quả tin cậy, ngoài công tác tổ chức thi, chấm thi nghiêm túc, ngân hàng đề thi phải chuẩn. Lâu nay, đề thi của chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào sự chủ quan của người ra đề, cho nên, không phải lúc nào cũng bảo đảm các yêu cầu đối với một đề thi, nhất là về tính phân hóa. Khi có ngân hàng đề thi, các trường lấy đề thi từ ngân hàng và tổ chức kiểm tra, đánh giá để kết quả bảo đảm độ tin cậy trong việc đánh giá và phân loại học sinh, xác định tỷ trọng hợp lý cho tốt nghiệp phổ thông và xét tuyển đại học trong đề thi, của từng trường, từng ngành nghề.

- Vài năm trước, chúng ta cũng đã đặt vấn đề xây dựng ngân hàng đề thi rồi, vậy tại sao, thời giữ trọng trách Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông không xúc tiến công việc mà ông cho là quan trọng này? Bây giờ cần bao nhiêu thời gian để làm điều đó và làm bằng cách nào?

- Để có một đề thi đạt chuẩn phải qua ít nhất là 3 vòng. Sau khi giáo viên ra đề, đề thi ấy phải được cho một bộ phận học sinh làm thử, sau đó đánh giá, phân loại, định lượng, lại rút kinh nghiệm, loại những đề thi không đạt, bổ sung đề mới trộn vào, rồi lại tổ chức thi thử trên học sinh. Làm ngân hàng đề thi chuẩn rất mất công nhưng cũng chỉ cần tập trung 2 năm, có cơ quan chuyên trách việc này. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục nên có phòng chuyên trách việc xây dựng ngân hàng đề thi. Chúng ta không thiếu nhân lực, chỉ cần có tổ chức và có đầu tư là làm được. Đây là việc thế hệ chúng tôi chưa làm được và mong là thế hệ hôm nay sẽ hoàn thành bởi nó sẽ là điều kiện tiên quyết để thay đổi phương án thi tuyển sinh và để các trường tự chủ trong công tác tuyển sinh một cách hiệu quả nhất.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng đề thi chuẩn - lối thoát cho tuyển sinh?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.