Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng có thể lên sàn đúng kế hoạch?

Hà Linh| 30/03/2019 08:06

(HNM) - Số liệu của Ủy ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, trong số khoảng 400 doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán theo quy định, các ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn.


Hiện nay, đã có 17 ngân hàng niêm yết trên hai sàn chứng khoán chính thức là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như giao dịch trên sàn UPCoM (nơi giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết) như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)... Như vậy, số lượng ngân hàng chưa niêm yết vẫn còn khá nhiều, bởi còn không ít ngân hàng chưa sẵn sàng cho việc đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ không thể tiếp tục trì hoãn kế hoạch lên sàn, bởi theo Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 28-2 thì đến hết năm 2020, ngoài các mục tiêu về phát triển thị trường chứng khoán, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức.

Đây được coi là giải pháp quan trọng nhằm tạo thêm hàng hóa có chất lượng cho thị trường chứng khoán vì các ngân hàng thường có giá trị vốn hóa lớn, minh bạch. Hơn nữa, việc đưa thêm hàng hóa là cổ phiếu ngân hàng lên niêm yết sẽ hấp dẫn và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Áp lực bắt buộc các ngân hàng phải lên sàn là cần thiết, vì các ngân hàng cần có trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ, thường xuyên hơn, trong đó không ngoại trừ cả những thông tin nhạy cảm. Những thông tin này sẽ giúp nhà đầu tư có cơ sở đánh giá chính xác về những hoạt động của ngân hàng.

Tuy nhiên, để toàn bộ các ngân hàng lên sàn theo đúng kế hoạch không đơn giản, đặc biệt là với những ngân hàng có quy mô nhỏ. Hiện, nhiều ngân hàng vẫn phải nỗ lực xử lý những vấn đề nội tại như nợ xấu, sở hữu chéo...

Mặc dù còn không ít khó khăn trong việc đưa toàn bộ cổ phiếu của các ngân hàng lên sàn niêm yết chính thức, nhưng không ít ngân hàng đang nỗ lực hoàn thiện thủ tục để lên sàn trong năm 2019.

Chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đã thông báo chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch cổ phần trên sàn UPCoM trước khi niêm yết trên sàn thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đang ráo riết cho việc này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết: Trong năm 2019, OCB tiếp tục theo đuổi mục tiêu lên sàn. So với những năm trước, việc đưa cổ phiếu ngân hàng lên sàn trong năm nay sẽ thuận lợi hơn nhờ sự hào hứng của các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế của Việt Nam tốt hơn. Xét ở góc độ vĩ mô, đó là điều kiện thuận lợi, nhưng việc lên sàn thành công hay không còn phụ thuộc vào "sức khỏe" của chính ngân hàng.

Không chỉ giúp thông tin về ngân hàng công khai, minh bạch hơn khi buộc toàn bộ hệ thống ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đây còn là giải pháp để xử lý nợ xấu.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực, theo đúng lộ trình, kế hoạch, bảo đảm ổn định, an toàn, lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hiện tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm, cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu tồn đọng ở Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng có thể lên sàn đúng kế hoạch?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.