(HNMO) - Mặc dù các ngân hàng thương mại, thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tìm được tiếng nói chung nhưng đến thời điểm này, chỉ có số ít ngân hàng thực hiện giảm lãi suất theo như thỏa thuận.
>Lãi suất huy động VND giảm về mức 11-11,2%/năm |
Cuối ngày hôm qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) công bố giảm lãi suất tiết kiệm VND với hai sản phẩm: tiết kiệm bậc thang và tiết kiệm rút gốc linh hoạt kể từ hôm nay (7/7) trên toàn hệ thống.
Theo đó, lãi suất tiết kiệm bậc thang được điều chỉnh với các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng dao động từ 11,05%/tháng đến 11,18%/năm và đồng loạt ở mức 11,2%/năm với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt cũng có một số điều chỉnh ở các kỳ hạn. Cụ thể, với hình thức trả lãi cuối kỳ, lãi suất tiết kiệm rút gốc linh hoạt dao động 10,5-10,98%/năm với các kỳ hạn từ 1-11 tháng và ở mức 11% với các kỳ hạn trên 12 tháng. Các mức này giảm mạnh so với mức quanh mốc 11,5% mà ngân hàng này đã áp dụng trước đó.
Cũng bắt đầu tư hôm nay, Ngân hàng TMCP Quốc Tế rút lãi suất huy động VND về mức 11,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng. Các kỳ hạn trên 12 tháng cùng có mức lãi suất 10,05%/năm.
Trước đó, từ ngày 5/7, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) áp dụng mức lãi suất cao nhất là 11,2%/năm cho các kỳ hạn từ 2 tháng đến 60 tháng. Kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng có mức lãi suất tương ứng là 11,05% và 11,10%/năm.
Ngân hàng có quy mô nhỏ và vừa tiên phong trong đợt giảm lãi suất lần này. |
11,2% cũng là mức Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank) áp dụng cho các kỳ hạn 3 tháng đến 12 tháng kể từ ngày 5/7. Các kỳ hạn còn lại là 1 tháng, 2 tháng có mức lãi suất lần lượt 11,10%/năm và 11,15%/năm; kỳ hạn 13 đến 24 cùng là 11%/năm.
Ngân hàng TMCP Nam Việt (NaviBank) cũng kéo lãi suất huy động về mức cao nhất là 11,2%/năm kể từ ngày 5/7. Mức này áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng.
Cũng từ ngày trên, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chỉ đạo giám đốc các chi nhánh căn cứ mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn để ấn định lãi suất huy động VND đối với từng kỳ hạn ở mốc 11%, dao động +/- 0,2%.
Như vậy, tiên phong trong việc hạ lãi suất huy động VND lần này không phải là ngân hàng lớn mà là ngân hàng trong nhóm có quy mô vừa và nhỏ. Điều này là khá bất ngờ đối với thị trường.
Đến thời điểm này, còn khá nhiều ngân hàng chưa thực hiện như thỏa thuận trong cuộc họp giữa các thành viên do VNBA tổ chức vừa qua. Việc này dù có thể không gây xáo trộn trên thị trường, vì theo một số chuyên gia mức giảm là không quá mạnh nên khó xảy ra hiện tượng người dân rút tiền từ ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất để gửi ở ngân hàng chưa thực hiện giảm, nhưng sẽ là không công bằng đối với những ngân hàng đã thực hiện đúng như thỏa thuận. Thị trường đang chờ đợi nhiều ngân hàng khác sẽ vào cuộc trong một vài ngày tới.
Vậy là sau khi tăng lên đến mức 12%/năm trong thời gian qua, lãi suất huy động VND đang bước vào đợt giảm mới. Việc giảm lãi suất này nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ là hạ dần lãi suất huy động về mức tối đa là 10% để giảm lãi suất cho vay. Theo các ngân hàng, việc giảm lãi suất cần có lộ trình, vì vậy, trước mắt giảm lãi suất huy động về mức 11-11,2%/năm, sau đó phấn đấu đến cuối tháng 9/2010 xuống mức khoảng 10,2%/năm-10,5%.
Với việc giảm lãi suất huy động lần này, có ý kiến cho rằng, người dân sẽ rút tiền từ ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, trước mắt, điều này là khó xảy ra vì thị trường chứng khoán vẫn đang linh xình, không hấp dẫn nhà đầu tư; thị trường vàng lại biến động trong biên độ hẹp và vẫn ở mức cao; còn đối với thị trường bất động sản, số vốn cần là rất lớn. Trong khi đó, lạm phát đang được kiềm chế hiệu quả. Với mức lãi suất mới, gửi tiền tại ngân hàng vẫn có lãi. Vì vậy, gửi tiền tại ngân hàng vẫn sẽ được người dân lựa chọn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.