(HNMO) - Nợ xấu được ví như “cục máu đông” có thể gây tắc nghẽn dòng vốn nuôi cả nền kinh tế. Ngân hàng nhà nước đang chỉ thị các tổ chức tín dụng quyết tâm xử lý “cục máu đông” theo lộ trình sẽ xuống mức dưới 3% vào cuối năm 2015.
Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn |
Ngày 27/01/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN nhằm tăng cường xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Chỉ thị yêu cầu các TCTD phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động Ngân hàng (NH), cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro... Đặc biệt, chỉ thị nghiêm cấm mọi hình thức che giấu nợ xấu hoặc lợi dụng việc xử lý nợ xấu để trục lợi…
Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD phải xây dựng và báo cáo NHNN kế hoạch xử lý nợ xấu sao cho đến ngày 30/6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu theo kế hoạch năm 2015. Và tiếp đến ngày 30/9/2015 phải bán hết 100% số nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để đưa nợ xấu về mức dưới 3% tổng tài sản có được phân loại… Chỉ thị cũng cho biết, các khoản nợ xấu được xử lý bằng thu hồi nợ, phát mãi tài sản, chuyển nợ thành vốn góp được trừ vào số nợ bán cho VAMC…
Nhìn chung, công việc xử lý nợ xấu trong hệ thống Ngân hàng rất được xã hội quan tâm và luôn là vấn đề nóng của cả hệ thống NH, từ NHNN đến các NHTM. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã không ít lần lên diễn đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tuy là vấn đề nóng đòi hỏi sự tập trung nỗ lực của NH nhưng Chính phủ cũng không có cơ chế cho NHNN sử dụng tiền ngân sách để xử lý nợ xấu. Vì vậy, mọi quyết định chính sách đưa ra đều được tính toán cẩn thận.
Để phân loại nợ, ngay từ ngày 23/4/2012, khi Quyết định 780 về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ của NHNN ra đời, NHNN đã theo dõi đánh giá tác động của nó vào nền kinh tế rất sát sao. Theo các chuyên gia kinh tế thì Quyết định 780 đã tạo điều kiện cho các NH tái cấu trúc nợ xấu đồng thời là một giải pháp góp phần hỗ trợ, giúp cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thực tế, trên lộ trình xử lý nợ xấu còn đặt ra vấn đề cần phải có cách hiểu, phân loại thống nhất về nợ xấu và nó phải phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Theo đó, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 của NHNN Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục ra đời.
Thông tư này có một số thay đổi quan trọng so với các quyết định trước đây của NHNN như Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007... Các thay đổi mới trong Thông tư này nhằm đưa cách hiểu nợ xấu gần với thông lệ quốc tế hơn như phạm vi tài sản có phải phân loại, định giá tài sản bảo đảm, sử dụng thông tin tín dụng, tiêu chuẩn phân loại nợ… để bảo đảm góp phần phản ánh đầy đủ hơn chất lượng tài sản của TCTD.
Khi Thông tư này ra đời, nhiều người lo ngại cho rằng “khi áp dụng Thông tư 02 nợ xấu có thể sẽ tăng vì thông tư này quy định việc phân loại nợ xấu theo tiêu chuẩn quốc tế”. Lo ngại đó là có cơ sở khi chúng ta áp dụng những chuẩn mực mới trong việc phân loại nợ. Hơn nữa các diễn biến về chính trị, kinh tế trên thế giới đang diễn ra phức tạp ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nước ta, dòng tiền của doanh nghiệp vẫn đang luân chuyển khá khó khăn.
Để phù hợp với tình hình, ngày 18/03/2014, tức sau gần 2 tháng Thông tư 02 ra đời thì NHNN đã ban hành tiếp Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 “cho phép các TCTD tiếp tục gia hạn việc cơ cấu lại nợ cho các DN”… Đây là giải pháp phù hợp với tình hình thực tế vừa hỗ trợ cho nền kinh tế vừa giữ vững sự an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng.
Mặc dầu GDP của quý I/2015 tăng mức trên 6% nhưng sức nóng của của vấn đề xử lý nợ xấu vấn không hề giảm. Với việc lần đầu tiên công bố cụ thể về xử lý nợ xấu cho từng NH cũng như yêu cầu về lộ trình thực hiện đối với từng Ngân hàng thương mại (NHTM) đang buộc các NH phải đẩy nhanh tốc độ giải quyết nợ xấu. Việc thực hiện các chính sách trong thời gian qua đã cho thấy sự cẩn trọng có tính toán của NHNN trước khi đưa ra Chỉ thị số 02/CT-NHNN. Tất nhiên, sức nóng của việc xử lý nợ xấu cũng làm cho không ít Ngân hàng băn khoăn lo lắng đến lợi ích của mình...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.