Các ngân hàng trên thế giới đã và đang phải hành động quyết liệt, tìm lối thoát cho cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, hiện vẫn khá trầm trọng.
Ảnh minh họa
Trong một thông báo phát ra bên lề hội nghị thường niên đang diễn ra ở Tokyo, dự đoán các ngân hàng châu Âu sẽ phải bán tháo 4.500 tỷ USD tài sản, cao hơn 18% so với con số 3.800 tỷ USD trong tháng 4, nếu các nhà làm chính sách không tìm ra cách để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra.
Thất bại trong thực hiện các chính sách thắt chặt hoặc thành lập một hệ thống giám sát trong thời gian thỏa thuận có thể khiến 58 ngân hàng ở châu Âu, từ UniCredit SpA (UCG) đến Deutshe Bank AG (DBK) phải thu hẹp quy mô tài sản. Điều này sẽ làm tín dụng của khu vực bị tổn thương và có thể làm giảm 0,4% tăng trưởng của Hy Lạp, Cyprus, Ireland, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha trong năm tới.
Trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) dự định tổ chức cuộc bỏ phiếu biểu quyết đầu tiên vào ngày 19/11 tới về kế hoạch gây tranh cãi liên quan đến việc giao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trách nhiệm giám sát hệ thống ngân hàng rộng lớn của châu Âu, điều chưa xảy ra trong lịch sử trước đây.
Cuộc bỏ phiếu biểu quyết vào tháng 11 tới sẽ liên quan tới những sửa đổi mà EP đã đề xuất đối với kế hoạch thành lập một cơ quan giám sát ngân hàng duy nhất ở châu Âu, do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đưa ra hồi tuần trước.
Trong khuôn khổ cơ chế mới này, ECB sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ giám sát toàn bộ các ngân hàng thuộc Eurozone liên quan đến sự ổn định tài chính. Các cơ quan giám sát quốc gia tiếp tục đóng vai trò giám sát thường xuyên các ngân hàng của mỗi nước, đồng thời phải xây dựng và thực hiện những quyết định của ECB.
Ngoài ra, Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA) xây dựng một quy định chung nhằm cho phép bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường duy nhất và đảm bảo quá trình giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng tại 27 quốc gia thành viên EU.
Theo dự kiến của EC, cơ chế giám sát này sẽ được EP và Hội đồng châu Âu thông qua từ nay đến cuối năm 2012 và chính thức được áp dụng từ năm 2013.
Một lối đi khá “tiêu cực” trong thời kỳ suy thoái ít được mong chờ là việc “cắt giảm chi tiêu”. Như việc một nguồn tin từ Ngân hàng UBS, ngân hàng số 1 của Thụy Sĩ vừa cho biết UBS thông qua một chương trình tiết kiệm rất lớn, trong đó tập trung vào việc cắt giảm nhân sự và khoảng 10.000 nhân viên có khả năng sẽ bị mất việc làm.
Bộ phận sẽ bị cắt giảm nhiều nhất có thể là bộ phận Công nghệ thông tin của UBS, nơi làm việc của khoảng 8.200 nhân viên. Theo nguồn tin nói trên, từ nay đến năm 2015, bộ phận Công nghệ thông tin sẽ phải giảm ngân sách hoạt động từ 3,6 xuống còn 2,25 tỷ Franc Thụy Sĩ.
Theo số liệu thông kê của UBS, tính đến cuối tháng 6/2012, có khoảng 63.520 nhân viên làm việc cho UBS trên toàn thế giới. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, số nhân viên của ngân hàng này lên đến 83.000 người.
Trong khi đó, không ít chủ ngân hàng trên thế giới hết sức bận rộn khi hoạt động mua bán sáp nhập cũng như mua bán trái phiếu đang diễn ra khá sôi nổi.
Các doanh nhân Trung Quốc đang tích cực thu mua lại tài sản khi thấy mã cổ phiếu của công ty mình xuống dốc. Trong khi đó, một số nhà đầu tư đã mất mát vì đầu tư vào IPO trước đó đã chuyển sang chứng khoán. Động thái này đã giúp thúc đẩy hoạt động phát hành nợ.
"Hoạt động mua bán và sáp nhập cũng diễn ra khá ấn tượng trong thời gian qua", ông Marin tại J.P. Morgan cho biết. Ngân hàng này hiện đang tư vấn cho các giám đốc độc lập tại hội đồng quản trị của Focus Media, Trung Quốc trước lời chào mua toàn bộ cổ phần trị giá 3,66 tỷ USD từ chủ tịch tập đoàn Jason Jiang. Bên cạnh đó, họ cũng cố vấn cho nhiều công ty tư nhân khác trong đó có Carlyle Group.
Giá trị các thương vụ được thực hiện bởi các công ty châu Á trừ Nhật Bản đạt mức kỷ lục 85,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Những thương vụ lớn trong thời gian qua đã khiến cho các ngân hàng vô cùng bận rộn như Cnooc- Nexen, Heineken- Asia Pacific Breweries…
Niềm hi vọng lớn khác đối với nguồn doanh thu của các ngân hàng đầu tư là sự gia tăng nhanh chóng trong hoạt động mua bán nợ. Các công ty tại châu Á ngoại trừ Nhật Bản đã gom được hơn 1.000 tỷ USD doanh thu từ trái phiếu hạng nhất phát hành bằng mệnh giá USD, Yên và Euro vào năm 2012.
Đây cũng là lần đầu tiên khối ngân hàng này đạt được con số kỷ lục đó. Từ việc phụ thuộc vào hoạt động cho vay, các ngân hàng đã chuyển hướng mạnh mẽ khi nhận thấy mong muốn tìm kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư - những người lo sợ mất tiền khi đầu tư vào thị trường chứng khoán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.