(HNM) - 35 người nhiễm vi rút cúm A/H7N9 và 9 ca tử vong ở Trung Quốc chỉ sau 10 ngày công bố bệnh cúm gia cầm H7N9 xuất hiện, khiến khắp thế giới lo lắng về loại dịch bệnh mới này.
Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã sẵn sàng ứng phó với dịch cúm A/H7N9. Ảnh: TTXVN |
Nguy hiểm hơn H5N1
Tại cuộc họp của Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 vừa được tổ chức ngày 9-4, Trưởng khoa vi rút Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Lê Quỳnh Mai cho biết, vi rút cúm A/H7N9 có đoạn gen giống vi rút cúm gia cầm, nhưng lại chưa được phát hiện trên gia cầm. Đây cũng là loại vi rút chưa từng thấy với những biểu hiện bệnh khác hẳn so với trước. Trước kia, chủng cúm H7 từng gây bệnh trên người nhưng biểu hiện bệnh nhẹ, chủ yếu là gây viêm kết mạc, viêm đường hô hấp, nhưng khi kết hợp thành H7N9, bệnh cảnh của bệnh nhân lại rất nặng: phổi sũng nước, phù phổi nặng…
|
Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ lo lắng khi ở những ca bệnh đầu tiên tại Trung Quốc, diễn biến viêm phổi (diễn biến chính của bệnh nhân mắc các chứng cúm kiểu này) còn nhanh hơn bệnh nhân cúm A/H5N1. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia đánh giá H7N9 còn nguy hiểm hơn H5N1, từng được coi là loại vi rút cúm gia cầm nguy hiểm nhất từ trước đến nay. Với khoảng 30% bệnh nhân tử vong (9 trong số 35 bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 đầu tiên được phát hiện), tỷ lệ tử vong của bệnh nhân cúm A/H7N9 là ở mức cao. Theo ông Nguyễn Văn Kính, tình trạng suy tim, thận ở bệnh nhân cúm A/H7N9 không bằng bệnh nhân cúm A/H5N1, nhưng hiện tượng hoại cơ lại nhiều hơn.
Một nguyên do nữa khiến người ta lo sợ vi rút cúm gia cầm H7N9 là đường lây truyền hiện chưa rõ ràng. Vi rút mang gen của cúm gia cầm, nhưng chưa tìm thấy trên gia cầm; chưa rõ đường lây từ gia cầm (hoặc lợn) sang người như thế nào; vì sao lại có biến thể H7N9; loài chim hoang dã nào có thể mang vi rút cúm H7N9… Chính vì những lý do này, việc phòng ngừa bệnh vẫn phải tuân theo những quy tắc không mới đã được áp dụng để ngăn cúm A/H5N1, như rửa sạch tay sau khi tiếp xúc với gia cầm, sử dụng bảo hộ khi giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm không bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong hướng dẫn chẩn đoán, phòng ngừa và điều trị cúm A/H7N9 vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên ký ban hành ngày 10-4, bệnh nhân cúm A/H7N9 và bệnh nhân nghi ngờ sẽ phải mang khẩu trang cả trong và ngoài phòng bệnh, mặc dù chưa phát hiện có lây nhiễm từ người sang người.
Khẩn trương ngăn dịch
Ngoài hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm vừa được ban hành, ngày 6-4, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã ký ban hành kế hoạch phòng chống cúm A/H7N9 với 4 kịch bản: Khi chưa có người bệnh; có ca bệnh tản phát; dịch lây lan ra cộng đồng và lây nhiễm từ người sang người. Với kinh nghiệm sẵn có từ các đợt dịch SARS, cúm A/H5N1 và A/H1N1, quy chế lấy mẫu bệnh phẩm, khuyến cáo phòng lây nhiễm đã được ban hành rất sớm. So với các đợt dịch trước đó, các nỗ lực chống dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam được ngành y tế và một số bộ ngành liên quan triển khai nhanh và hiệu quả hơn hẳn.
Tại các cửa khẩu đường bộ và hàng không, từ ngày 4-4, công tác kiểm tra thân nhiệt khách nhập cảnh đã được tiến hành. Trong buổi kiểm tra công tác chống dịch tại sân bay Nội Bài, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đánh giá rất cao kế hoạch chống dịch tại đây khi ngay sau khi xuất hiện dịch tại Trung Quốc. Theo đó, hai máy đo thân nhiệt từ xa đã đi vào hoạt động, đáp ứng kiểm tra thân nhiệt 100% khách nhập cảnh. Các cửa khẩu đường bộ cũng triển khai kiểm tra thân nhiệt người nhập cảnh vào Việt Nam. Nhưng ông Nguyễn Thanh Long cho biết, do Tổ chức Y tế thế giới chưa đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại, Việt Nam cũng chưa có bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 nên chưa áp dụng tờ khai sức khỏe với khách nhập cảnh.
Là điểm đến quan trọng của cả nước, nên ngay từ ngày 5-4, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H7N9 và ngày 10-4 kế hoạch đã được ban hành. Lãnh đạo Sở Y tế nhận định, mặc dù đến nay dịch cúm A/H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát là rất lớn. Mặt khác, tình hình buôn bán gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho dịch cúm này vào Hà Nội, không loại trừ khả năng vi rút biến chủng lây từ người sang người và bùng phát dịch. Để phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này Hà Nội đã đưa ra kế hoạch hành động với các tình huống khác nhau. Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, không chủ quan nhưng cũng không nên để người dân quá hoang mang trước dịch bệnh.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ (nằm trên địa bàn Hà Nội) là bệnh viện đầu ngành điều trị bệnh truyền nhiễm, nên bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 nếu có sẽ được chuyển về đây. Sau đó, các trường hợp nhẹ hơn sẽ được chuyển về một số bệnh viện vệ tinh như Xanh Pôn, Bắc Thăng Long, Đức Giang và Thanh Nhàn của Hà Nội để "chia lửa". Hôm nay (ngày 12-4), Bộ Y tế tổ chức tập huấn điều trị, chẩn đoán và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 cho các bệnh viện ở phía Bắc.
Mọi việc đang rất khẩn trương, để sẵn sàng ngăn chặn dịch mới và nguy hiểm này.
TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện vi rút cúm A/H5N1 trên yến nuôi (HNM) - Ngày 11-4, Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho hay, thành phố hiện có trên 380 nhà nuôi yến tập trung. Chi cục Thú y đã lấy 56 mẫu ở các nhà nuôi yến để xét nghiệm và không phát hiện có vi rút cúm A/H5N1. Trong tháng 4 này, chi cục tiếp tục lấy mẫu để giám sát và thông báo các nhà nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường phải báo ngay chính quyền địa phương và trạm thú y quận, huyện… Liên quan đến vụ việc hơn 4.060 con chim yến bị chết tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), đến chiều qua (11-4), cơ quan thú y vùng 6 khẳng định phải đến ngày 16 tới mới có kết quả xét nghiệm chính thức đối với khoảng 100 mẫu chim sống và phân được lấy từ 5 hộ nuôi trong vùng. Hà Phạm |
Ngày 11-4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa hè, đặc biệt là cúm A/H7N9. Nhiều giải pháp chuyên môn đã được đề ra như tăng cường giám sát bệnh cúm A/H7N9 tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài; phối hợp với ngành nông nghiệp xử lý triệt để các ổ dịch trên các đàn gia cầm không để lây lan sang người. 5 đội cơ động phòng chống cúm A/H7N9 cũng đã được thành lập, sẽ túc trực 24/24 giờ, được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị cần thiết để phục vụ, cứu chữa bệnh nhân. Các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ, vận động nhân dân không giết mổ gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; không ăn tiết canh, thịt gia cầm chưa được chế biến kỹ; không sử dụng thịt, trứng gia cầm không rõ nguồn gốc... Sở Y tế Hà Nội cũng đã phổ biến tới các đơn vị "Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh cúm A/H7N9" và "Hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm cúm A/H7N9" do Bộ Y tế mới ban hành. Khánh Vũ |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.