Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm Luật Thủy lợi: Không để "trên nóng", "dưới lạnh"

Kim Nhuệ| 13/04/2020 07:46

(HNM) - Trong khi còn hàng nghìn vụ vi phạm pháp luật thủy lợi chưa xử lý dứt điểm thì một số địa phương của Hà Nội vẫn tiếp tục để phát sinh vi phạm mới. Khắc phục tình trạng này và không để tồn tại hiện tượng "trên nóng", "dưới lạnh", Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp với những động thái mới.

Gần 1 năm xảy ra vi phạm, huyện Ba Vì vẫn chưa xử lý dứt điểm vụ việc xâm hại lòng hồ Suối Hai.

Thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm

Kênh tiêu 71 dài 3,8km có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khoảng 2.105ha đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 7 xã, thị trấn của huyện Thường Tín. Tuy nhiên, trên tuyến kênh này có tới 12 vị trí bị người dân xâm hại qua hình thức: Làm cầu đi qua kênh, kè và xây tường rào, đặt chậu cây trong phạm vi bảo vệ kênh…

Tương tự, nhiều công trình thủy lợi quan trọng khác ở các quận, huyện: Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ba Vì, Hà Đông, Bắc Từ Liêm… cũng bị xâm hại. Điển hình, hộ ông Nguyễn Hữu Dự, ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) xây dựng nhà ở kiên cố trong phạm vi bảo vệ kênh Bắc Quảng Hoa. Ông Đỗ Văn Hiếu, ở xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) đóng cột thép làm sàn để ô tô, xe máy trên mặt kênh Khê Tang… Đặc biệt tại huyện Ba Vì, Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì đã đào đắp hàng chục nghìn mét khối đất, tạo thành bờ bao, làm giảm dung tích trữ của hồ Suối Hai…

Chứng kiến các vụ việc vi phạm pháp luật thủy lợi trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Hựu, ở xã Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) băn khoăn, vi phạm dễ phát hiện, tồn tại đã lâu nhưng vì sao không bị xử lý? Liệu có khó khăn, vướng mắc gì trong việc này?

Ông Đặng Hồng Vinh, Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết: “Do không có thẩm quyền xử lý nên đơn vị chỉ có thể lập biên bản, chuyển hồ sơ đề nghị cấp xã, cấp huyện xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, do một số xã, thị trấn chưa kiên quyết nên vi phạm vẫn chưa bị xử lý…”.

Trao đổi về việc người dân bắc cầu qua kênh ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Phiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tự Nhiên (huyện Thường Tín) cho rằng, vi phạm chủ yếu là xuất phát từ nhu cầu thiết thực của người dân. Hơn nữa, do một số công trình thủy lợi trên địa bàn xã chưa được cắm chỉ giới, phân định vị trí thuộc khu vực bảo vệ nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong xử lý vi phạm…

Không đồng tình với quan điểm này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải khẳng định, giải thích như trên là chưa thuyết phục. Thực tế, một số địa phương còn nể nang, thiếu kiên quyết, thậm chí có vụ việc còn bao che, cố tình để vi phạm tồn tại… Bên cạnh đó, một số đơn vị thủy lợi cũng chưa làm tốt nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, kịp thời phối hợp với các địa phương trong xử lý…

Phải rõ trách nhiệm giải quyết

Để bảo đảm an toàn công trình thủy lợi khi mùa mưa, bão đang tới gần, thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố và nhiều địa phương đã có những động thái mới trong xử lý vi phạm.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, để chấm dứt tình trạng “đá bóng trách nhiệm”, huyện sẽ tăng cường kiểm tra công vụ, xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện cũng đề nghị Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Hồng Vân phải chuyển hồ sơ xử lý về xã, thị trấn ngay khi phát hiện vi phạm. Nếu đơn vị nào không phối hợp hoặc chậm xử lý, xí nghiệp thủy lợi lập biên bản rồi chuyển kèm hồ sơ vi phạm về UBND huyện…

“Không thể chấp nhận tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, huyện yêu cầu UBND xã Tản Lĩnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, cưỡng chế giải tỏa vi phạm tại hồ Suối Hai. Sau ngày 30-4, nếu vụ việc chưa xử lý dứt điểm, huyện sẽ xem xét và xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương này…”, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến quả quyết...

“Xã Tiên Phương đã ký biên bản phối hợp với Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ trong phát hiện, xử lý, ngăn chặn vi phạm pháp luật thủy lợi; trong đó, ghi rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Đối với cán bộ của xã, nếu chậm tham mưu, đề xuất phương án xử lý vi phạm sẽ hạ bậc thi đua và xem xét buộc thôi việc nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng…”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ) Tống Văn Thái cho biết.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn: “Để chấm dứt tình trạng “xử lý vi phạm trên giấy”, Sở NN& PTNT đang đề xuất UBND thành phố xây dựng “Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố”. Trong quy chế sẽ quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị; đồng thời, đề ra các hình thức xử lý cụ thể nếu tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm mà không kịp thời phát hiện, xử lý”…

Ngăn chặn, xử lý triệt để các vi phạm pháp luật thủy lợi cần nhiều giải pháp, nhưng giải pháp quan trọng là phải xóa ngay tình trạng cấp trên chỉ đạo quyết liệt, cấp dưới thực hiện qua loa, hình thức. Những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm và chế tài tương ứng. Có vậy mới chấm dứt được tình trạng vi phạm kéo dài tồn tại hiện nay.

Từ đầu năm 2020 đến nay, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội phát sinh 27 vụ vi phạm Luật Thủy lợi nhưng mới xử lý 2 vụ, tồn đọng 25 vụ. Như vậy, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 11.433 vụ vi phạm, các địa phương mới xử lý, giải tỏa được 2.548 vụ, tồn đọng 8.885 vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm Luật Thủy lợi: Không để "trên nóng", "dưới lạnh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.