Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn xâm phạm bản quyền

Người Lái Đò| 05/06/2022 07:38

(HNM) - Mới đây, họa sĩ Bùi Văn Tuất thông báo trên trang Facebook cá nhân về sự việc liên quan đến vấn đề xâm phạm bản quyền và nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của giới chuyên môn cũng như người yêu mỹ thuật.

Họa sĩ Bùi Văn Tuất cho biết, mình được người quen thông tin về một giao dịch mua bán tác phẩm hội họa diễn ra tại Hà Nội, trong đó, tác phẩm được giao dịch là một bức tranh sơn mài khổ lớn gồm 3 tấm ghép, không rõ tác giả. Bức tranh sơn mài này được cho là “đồ cổ”, có tuổi thọ “đã lâu”, với bằng chứng là những vết nứt vỡ trên vóc. Vấn đề là bức tranh sơn mài đó có bố cục nội dung rất giống một bức tranh mà họa sĩ Bùi Văn Tuất vẽ, đã trưng bày trong triển lãm cá nhân “Tuổi thơ như thế” vào tháng 12-2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hiện đã có người sưu tập. Họa sĩ Bùi Văn Tuất khẳng định, bức tranh của mình được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên vải là duy nhất, không có phiên bản thứ hai. Tác giả có đủ cơ sở gồm những ký họa nhỏ, ảnh tư liệu đã chụp để chứng minh, đồng thời sẵn sàng đối thoại với chủ sở hữu hiện tại của bức tranh sơn mài kia và những ai liên quan để làm rõ vấn đề.

Vấn nạn sao chép, làm giả tranh đã tồn tại rất lâu ở nước ta. Trước đây, thường là tranh của danh họa đã mất hay của họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương bị nhái, làm giả. Nhưng gần đây, các đối tượng còn ngang nhiên chép tranh của các họa sĩ đương thời, đang sung sức sáng tác. Như trường hợp trên, theo ý kiến của giới chuyên môn, bức tranh chép khổ lớn, làm giả cổ như vậy chắc chắn đưa ra giao dịch trên thị trường với giá không hề nhỏ. Hành động lừa đảo nghiêm trọng này rất cần sự lên tiếng và hành động quyết liệt của các họa sĩ, giới nghề để đem lại sự lành mạnh cho thị trường mỹ thuật Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn xâm phạm bản quyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.