(HNM) - Trong thời gian qua, các em chắc hẳn đã biết sự việc hai chú chó bị kẻ bắt trộm đánh đập, buộc băng dính gây hoại tử mõm, những thanh niên giết mèo dã man...
Chó, mèo và các con vật nuôi đáng yêu từ lâu đã là những người bạn thân thiết với chúng ta. Vậy các em sẽ làm gì để ngăn chặn những hành động bạo lực với thú nuôi nói trên?
Em Trần Anh Tú (HS lớp 7A, Trường THCS Thanh Liệt):
- Ở nhà em cũng có nuôi hai chú cún con, một chú chó có bộ lông vàng óng ả và một chú chó đốm khá tinh nghịch. Mỗi khi em đi học về, hai chú chó nhỏ lại ra tận ngõ đón em vẫy đuôi vui mừng. Đôi khi, hai chú chó này cũng chơi đùa, nghịch phá làm cả nhà em rất bực như: Cắn xé ghế đệm, cào xước tủ, bàn ghế, thậm chí còn tha lôi quần áo, giầy dép của em. Nhưng bố mẹ đều nói, chúng chỉ là vật nuôi, chưa có ý thức cần phải được con người huấn luyện, dạy dỗ chứ không nên đánh đập, trút giận lên đầu chúng.
Đáng buồn là khi chúng được em huấn luyện trở nên ngoan ngoãn thì chú chó vàng lại bị mất tích. Em đã đi tìm khắp nơi nhưng không thấy, mọi người nói, nó đã bị những người xấu bắt trộm và bán cho các cửa hàng giết thịt chó. Cứ nghĩ đến cảnh nó bị hành hạ, giết thịt em lại ứa nước mắt. Em rất mong những chú chó tội nghiệp này sẽ được mọi người bảo vệ và những kẻ trộm chó bị xử phạt thật nặng, các quán giết mổ thịt chó, mèo đóng cửa.
Em Nguyễn Hải Anh (HS lớp 5D, Trường Tiểu học Trần Phú):
- Ở xóm em cũng có một bạn thường xuyên đánh chú chó nhỏ của mình. Mỗi khi có việc gì không vui hay bực tức gì là bạn ý lại lôi chú chó nhỏ ra sân để đánh, thậm chí bỏ đói xích vào một chỗ. Mỗi khi chứng kiến cảnh đó, em cùng các bạn khác lại can ngăn và tuyên bố tất cả các bạn trong xóm sẽ nghỉ chơi với bạn ấy nếu còn tiếp tục hành hạ thú nuôi. Rồi chúng em mang thức ăn tới cho chú chó nhỏ ăn, băng bó vết thương cho nó. Từ đó, bạn ấy không còn đánh chú chó nhỏ nữa, chú chó ấy dần trở thành một người bạn thông minh, thân thiết với các bạn trong xóm em.
Cô Trần Hương Giang (phụ huynh HS, 178 Quán Thánh, HN):
- Hành vi một em nhỏ có dấu hiệu không yêu thương động vật, hành hạ thú nuôi cũng chính là cảnh báo về tính ích kỷ, ưa bạo lực. Theo thống kê của các nhà tâm lý, trẻ thích hành hạ thú nuôi còn có dấu hiệu mắc bệnh tâm lý, đa phần những người thể hiện tính cách bạo hành động vật khi còn nhỏ, thì khả năng trở thành những người xấu... nhiều hơn gấp 5 lần người bình thường.
Do đó, các phụ huynh không nên chủ quan trước hành vi này của con cái mình. Nếu phát hiện con đánh đập vật nuôi trong nhà, cần giáo dục, nhắc nhở, khuyên bảo nhẹ nhàng cho con hiểu. Hành vi bạo lực với thú nuôi đôi khi cũng xuất phát từ việc trẻ bắt chước người lớn, do đó chúng ta nên dạy trẻ biết cách bảo vệ thú nuôi, không giết thịt thú nuôi trước mặt trẻ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.