(HNM) - Vì lợi nhuận, thương lái sẵn sàng cho hóa chất, kháng sinh vào thực phẩm trước khi đưa ra thị trường; việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn tới không kiểm soát được đầu vào của sản phẩm... Đây là những vấn đề được nêu ra tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản vừa qua.
Gần 12% cơ sở vi phạm
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2014, lực lượng liên ngành của thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.940 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản đã phát hiện 345 cơ sở vi phạm (chiếm gần 12%). Các đơn vị chức năng đã xử lý vi phạm và tiêu hủy vật phẩm 124 trường hợp vận chuyển không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y và 5kg phụ gia... Các đơn vị cũng đã lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng các mẫu nông, lâm, thủy sản, phát hiện 7/12 mẫu thịt gia súc, gia cầm (sản xuất tại Hà Nội) vượt giới hạn tối đa cho phép về vi sinh vật, chiếm 58,33%, trong đó có 2 mẫu thịt lợn nhiễm E.coli, 3 mẫu thịt lợn nhiễm VKHH, 1 mẫu thịt lợn nhiễm Salmonella và 1 mẫu thịt gà nhiễm E.coli.
Theo ông Trần Mạnh Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thực tế kiểm tra cho thấy các cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều vi phạm. Nguyên nhân chủ yếu là bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các địa phương còn thiếu, chưa có cán bộ chuyên trách. Hiện nay, rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc phân cấp quản lý của UBND quận, huyện chưa được tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại. Công tác quản lý ở các quận, huyện, thị xã còn chưa thường xuyên, đặc biệt công tác thống kê, kiểm tra, đánh giá, phân loại và cấp giấy chứng nhận về ATVSTP ở các quận, huyện triển khai chậm.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Ngô Đại Ngọc, để từng bước chấn chỉnh và đưa các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản vào nền nếp và kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, thời gian tới, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng vật tư và ATVSTP theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường lấy mẫu kiểm tra, giám sát chất lượng tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh để sớm phát hiện vi phạm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm xử lý triệt để. Đối với những cơ sở vi phạm, tái kiểm tra nhiều lần mà vẫn không chịu khắc phục, sửa chữa cần có hình thức quyết liệt hơn như tịch thu giấy phép kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Xuân Việt, trong thời gian tới, các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tổ chức lớp tập huấn cho các đối tượng tham gia kiểm tra, đánh giá phân loại và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, đặc biệt là hướng dẫn thực hiện các quy định của Nhà nước về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chất lượng, ATVSTP nông, lâm, thủy sản. Các đơn vị cũng cần tập huấn kiến thức về ATVSTP cho người sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản do cấp mình quản lý; đẩy mạnh truyền thông về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATVSTP nông, lâm, thủy sản cho mọi đối tượng cả người tiêu dùng và người sản xuất. Đối với các quận, huyện, thị xã cần thực hiện quy hoạch khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, từng bước đình chỉ hoạt động các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm không bảo đảm yêu cầu; tích cực thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất để kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cũng yêu cầu các đơn vị mạnh dạn công bố cơ sở không đủ điều kiện về chất lượng ATVSTP cho người tiêu dùng biết và có kênh thông tin chính thức để tham khảo, lựa chọn sản phẩm khi sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.