(HNM) - Từ đầu năm đến nay, khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra các vụ việc về phân bón kém chất lượng, phân bón giả, nhái… gây ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng của nhiều loại nông sản. Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường (QLTT - Bộ Công thương) chỉ đạo lực lượng QLTT mở đợt ra quân quyết liệt xử lý "điểm nóng" này.
Xử lý hàng chục vụ vi phạm
Từ ngày 20-3 đến 20-5-2014, Chi cục QLTT 7 tỉnh duyên hải miền Trung, từ Quảng Nam đến Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra, xử lý mặt hàng phân bón giả trên địa bàn; làm rõ phương thức, hành vi, thủ đoạn vi phạm tinh vi của gian thương trong lĩnh vực này. Qua kiểm tra, Chi cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện hơn 7 tấn phân bón giả và kém chất lượng. Cụ thể, tại cửa hàng vật tư nông nghiệp Sánh Ghi (tiểu khu 12, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa), đã phát hiện 6 tấn phân bón NPK giả, nhãn hiệu Hà Bắc. Lực lượng QLTT tỉnh đã lập biên bản xử phạt hành chính chủ cửa hàng 20 triệu đồng, thu giữ 240 bao để chờ tiêu hủy.
Điển hình nhất phải kể đến vụ nông dân mua phải phân bón giả về bón dưa hấu tại Phú Yên. Theo đơn yêu cầu của Công ty cổ phần (CP) Phân bón Bình Điền, đơn vị có sản phẩm bị làm giả, Đội QLTT tỉnh Bình Định đã kiểm tra mặt hàng phân bón tại Công ty TNHH Anh Trang (TP Quy Nhơn). Qua đó phát hiện 25 bao phân bón NPK 20.20.15 mang nhãn hiệu Đầu Trâu, tổng trọng lượng 1.220kg, có dấu hiệu giả nhãn hiệu của Công ty CP Phân bón Bình Điền. Qua kiểm tra, toàn bộ số phân bón này đều không đạt tiêu chuẩn. Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Anh Trang 90 triệu đồng về hành vi buôn bán hàng giả, tịch thu và buộc tiêu hủy.
Sau hai tháng triển khai quyết liệt, kiểm tra 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn 7 tỉnh, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý 89 vụ vi phạm, phạt hành chính 54,9 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh phân bón giả, nhập lậu, không công bố tiêu chuẩn, vi phạm về nhãn, giấy đăng ký kinh doanh.
Cần rút giấy phép sản xuất vĩnh viễn
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết, từ đợt cao điểm kiểm tra vừa qua đã bộc lộ rõ nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nạn phân bón giả. Đến nay, chúng ta vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể các quy định về điều kiện sản xuất phân bón và các loại phân bón phải công bố hợp quy, hợp chuẩn theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón; trong khi trên thị trường hiện có nhiều chủng loại sản phẩm, nên lực lượng chức năng khó quản lý, theo dõi, khó xác định hàng giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, phân công nhiệm vụ của các tỉnh lại khác nhau. Một số tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, Chi cục QLTT chỉ phối hợp nên không thể chủ động triển khai kiểm tra, kiểm soát. Việc kiểm tra do không thể nhận biết bằng mắt thường, trong khi máy móc thiết bị hỗ trợ nhận biết còn thiếu, cũng khiến việc phân biệt hàng giả, kém chất lượng hết sức khó khăn.
Từ thực tế trên, Cục QLTT kiến nghị, các cấp có thẩm quyền khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết Nghị định 202 về quản lý phân bón; ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, mức sai số cho phép đối với từng loại để có căn cứ xác định đâu là hàng đạt chất lượng; trình Chính phủ cho phép tăng kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát cho lực lượng QLTT, bố trí kinh phí lấy mẫu, giám định phân bón trong kinh phí thường xuyên hằng năm; cương quyết rút giấy phép vĩnh viễn đối với các hành động sản xuất hàng kém chất lượng, giả, nhái. Các ngành chức năng phối hợp với địa phương làm tốt công tác kiểm soát, hậu kiểm chất lượng phân bón trước khi để mặt hàng này lưu thông trên thị trường.
Năm 2013, các ngành chức năng đã lấy hơn 2.080 mẫu đi kiểm tra, gồm 896 mẫu về phân bón, 459 mẫu thuốc bảo vệ thực vật và 740 mẫu thức ăn chăn nuôi. Riêng mặt hàng phân bón có 276/896 mẫu không đạt, chiếm tỷ lệ 30%. Con số trên cho thấy, tình trạng sản xuất phân bón giả, nhái, kém chất lượng đã ở mức báo động. Việc kiểm tra, kiểm soát mới chỉ dừng ở điều kiện kinh doanh, nguồn gốc mà chưa chú trọng kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào lưu thông đã khiến chất lượng phân bón bị thả nổi. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.