(HNM) - Trong hoạt động giao dịch bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh có hiện tượng người nộp thuế khai báo giá trị chuyển nhượng không đúng thực tế nhằm trốn thuế. Ngăn chặn hiện tượng này, ngành Thuế thành phố đang triển khai các biện pháp mạnh để siết chặt việc khai báo, truy thu, hướng tới thu đúng, thu đủ thuế trong giao dịch bất động sản.
Hiện tượng khai giá thấp khá phổ biến
Về hiện tượng trốn thuế trong hoạt động giao dịch bất động sản, đại diện Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) dẫn chứng: Vừa qua, có giao dịch về đất sử dụng trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản với diện tích khoảng 12.000m² tại phường Tăng Nhơn Phú B được các bên mua bán khai giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan thuế truy xét, họ khai nhận giá khu đất là 40 tỷ đồng (gấp 40 lần).
Theo Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức, trong quý I-2022, có khoảng 2.000 hồ sơ nhà đất bị trả về để điều chỉnh giá chuyển nhượng, qua đó thu thêm được 92 tỷ đồng. Phó Chi cục Thuế thành phố Thủ Đức Thân Thiết Sơn cho biết, mỗi ngày cơ quan này tiếp nhận từ 140-150 hồ sơ chuyển nhượng nhà đất. Sau khi tiếp nhận, cán bộ thuế sàng lọc những hồ sơ có dấu hiệu kê khai giá chuyển nhượng quá thấp, sau đó gửi thư mời các bên liên quan đến để yêu cầu khai lại đúng giá thực tế.
Trưởng phòng Quản lý các khoản thu từ đất (Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh) Võ Thanh Thủy cho biết, thời gian qua, tình trạng kê khai giá thấp để trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản diễn ra khá phổ biến. Trong quý I-2022, trung bình cứ 5 hồ sơ khai thuế chuyển nhượng bất động sản thì có 1 hồ sơ bị trả về để yêu cầu khai lại. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế thành phố đã yêu cầu điều chỉnh giá chuyển nhượng 10.876 hồ sơ, thu thêm hơn 180 tỷ đồng cho ngân sách; trong đó, thuế thu nhập cá nhân là hơn 147 tỷ đồng, lệ phí trước bạ hơn 33 tỷ đồng.
Cũng trong 4 tháng đầu năm 2022, ngành Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 3.417 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, qua đó đã phát hiện và xử lý vi phạm về thuế với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều vi phạm thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Kiên quyết ngăn chặn
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, tại thành phố Hồ Chí Minh có tình trạng tồn tại “hai giá” trong chuyển nhượng bất động sản, một giá giao dịch thực tế và một giá khai với cơ quan thuế để cố tình “né” thuế. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trước đây, giá trị một giao dịch bất động sản chỉ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng thì số tiền nộp thuế không đáng kể. Tuy nhiên, hiện nhiều giao dịch bất động sản lên tới vài chục tỷ đồng thì việc truy thu để thu đúng, thu đủ thuế là rất cần thiết nhằm chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp đưa giá bất động sản quay về giá trị thực.
“Cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh toàn bộ hành vi kê khai thuế chuyển nhượng bất động sản, từ quy trình nộp hồ sơ, trách nhiệm của cán bộ thuế và trách nhiệm của người nộp thuế. Đồng thời, cần quy định rõ khi nào áp dụng biện pháp hành chính, khi nào phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi trốn thuế”, luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh Thái Minh Giao, hiện ngành Thuế thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt quản lý thuế trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản, bước đầu đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, để xử lý triệt để hành vi trốn tránh nghĩa vụ thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cần nhiều giải pháp đồng bộ từ các sở, ban, ngành liên quan. Tại các Chi cục Thuế trực thuộc, cán bộ thuế phải tích cực vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế kê khai trung thực giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán. Đồng thời, cần căn cứ vào nguồn dữ liệu lịch sử giao dịch bất động sản, so sánh giá chuyển nhượng của các bất động sản có đặc điểm tương đồng về vị trí, tuyến đường, diện tích… để cơ quan thuế làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính đối với người nộp thuế, nhằm thu đúng, thu đủ. Đối với những hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế, theo Luật Quản lý thuế, cơ quan thuế sẽ ấn định số tiền phải thu; nếu số thuế vi phạm lớn hơn 100 triệu đồng sẽ chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã chỉ đạo việc triển khai các giải pháp chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn. Theo đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán để làm căn cứ tính thuế theo quy định của pháp luật. Trường hợp chuyển nhượng bất động sản nhưng kê khai giá trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế là hành vi vi phạm pháp luật về thuế, sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.