(HNM) - Việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ là hành vi gian lận nhằm trục lợi, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng, đồng thời làm cho thịt gia súc dễ bị nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thợ đang bơm nước cho lợn - Ảnh: Trung Hiếu/Tinnong.vn |
"Tống nước" cho gia súc đến chết!
Tại điểm c, khoản 2 và điểm c, khoản 4, Điều 13, Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9-10-2013 của Chính phủ quy định rõ: Phạt tiền 5-6 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi đưa nước vào động vật trước và sau khi giết mổ, đồng thời buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi đối với hành vi bơm nước nói trên (mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Thế nhưng, trong thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý hành vi bơm nước vào gia súc, thịt gia súc, song chủ yếu là hình thức phạt tiền và chưa thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ. Do vậy, hiện tượng bơm nước vào gia súc, thịt gia súc vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam. Trong khi đó, cả nước có hàng triệu cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng có tới 80% là giết mổ nhỏ lẻ; đặc biệt là đối với các cơ sở giết mổ gia súc, như trâu, bò thì cả 100% đều không được kiểm soát.
"Đại bản doanh" giết mổ gia súc ở xã Tri Thủy và xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên), trung bình giết mổ 300-400 con trâu, bò/ngày, cung cấp thịt cho Hà Nội. Cả hai xã có hàng chục cơ sở giết mổ, nhưng hầu hết đều là những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (từ 2 đến 3 con/ngày), nên việc các hộ bơm nước vào động vật hầu như không được kiểm soát. Chứng kiến cảnh tượng công nhân làm việc tại lò mổ dắt bò từ chuồng ra ngoài sân, sau đó dùng một vòi bơm nước từ giếng khoan "tống" vào mồm con vật, đến khi con vật ngã quỵ xuống đất thì mới thôi, ai cũng phải rùng mình.
Phạt tiền và chuyển đổi nghề nghiệp
Chị Nguyễn Thị Nhung, một người tiêu dùng ở Hà Đông cho biết, thông tin về thịt gia súc bị bơm nước làm cho chị dè chừng hơn khi mua thịt tại chợ. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Lan, buôn bán thịt ở chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), dù biết việc bơm nước vào gia súc không bảo đảm chất lượng, nhưng nhiều chủ hàng vẫn lấy để bán, do lợi nhuận cao hơn gấp 2 lần so với thịt không bơm nước.
Nhằm ngăn chặn triệt để hành vi bơm nước vào động vật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân hành nghề buôn bán, giết mổ động vật không được có hành vi bơm nước vào thịt gia súc, không buôn bán thịt gia súc bị bơm nước vì đó là gian lận thương mại; đặc biệt cần tăng cường kiểm tra, đấu tranh, triệt phá hành vi bơm nước vào gia súc, thịt gia súc trong quá trình vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc. Trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước phải yêu cầu ngừng ngay việc vận chuyển buôn bán, giết mổ, sau đó tổ chức nuôi nhốt cách ly theo dõi và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ thịt gia súc tại các chợ và siêu thị; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc có hành vi gian lận thương mại, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.