(HNM) - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3-2014 giảm 0,44% so với tháng trước đó và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo các chuyên gia, CPI tháng 3 giảm sâu là vì nhiều nhóm hàng đã giảm giá như lương thực, thực phẩm và dịch vụ ăn uống (-0,96%), nhà ở và vật liệu xây dựng (-0,74%), giao thông và bưu chính viễn thông (-0,03%)… Một số ý kiến khác cho rằng, do tháng 3 là tháng sau Tết, hầu hết giá các mặt hàng cũng như nhu cầu mua bán đều giảm theo quy luật thông thường.
Tuy nhiên, không khó nhận ra lý do quan trọng khiến chỉ số CPI âm liên tiếp trong thời gian gần đây là vì phần lớn người tiêu dùng có tâm lý "thắt lưng buộc bụng", tiết kiệm chi tiêu. Quan điểm này xem ra khá phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là mới đây, báo cáo khảo sát toàn cầu về niềm tin người tiêu dùng do hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố đã cho thấy 74% người Việt được hỏi ý kiến đã cho biết sẽ để dành tiền sau khi trang trải hết các chi phí sinh hoạt thiết yếu.
Như vậy, có thể khẳng định nguyên nhân sâu xa khiến chỉ số CPI giảm sâu là bởi người tiêu dùng đã và đang giảm sút niềm tin. Rõ ràng là với những biểu hiện như lượng hàng hóa tồn kho còn cao, nhất là bất động sản; số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể vẫn gia tăng; đặc biệt là hàng trăm nghìn tỷ đồng "tồn kho" tại ngân hàng chưa đến được với doanh nghiệp và người dân có nhu cầu vay vốn vì lãi suất cao, thủ tục phiền hà (điển hình là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, gói 8.000 tỷ đồng tạm trữ lúa gạo…), người tiêu dùng khó nhận ra tín hiệu lạc quan của nền kinh tế. Đáng nói là người tiêu dùng còn mất niềm tin do tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu tràn lan trên thị trường, chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả… Tình trạng này dẫn đến hậu quả là sản xuất trong nước bị lấn lướt, doanh nghiệp nội vốn đã khó khăn càng thêm lao đao, khốn đốn.
Trước những biểu hiện trên, đã có ý kiến cảnh báo về nguy cơ giảm phát có thể quay trở lại. Bởi vậy, để ngăn chặn khả năng này các cơ quan chức năng cần nghiêm túc, quyết tâm thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, khẩn trương triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, qua đó khôi phục niềm tin của người tiêu dùng để nâng cao sức tiêu thụ. Mục tiêu cao nhất là để các ngành kinh tế có vốn sản xuất, người mua có tiền và hàng để mua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.