Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu: Kỳ vọng vào hiệp định quốc tế đầu tiên

Thùy Dương| 06/03/2022 06:42

(HNM) - Liên hợp quốc vừa nhất trí khởi động đàm phán hiệp định quốc tế đầu tiên nhằm hạn chế ô nhiễm nhựa. Động thái này được ca ngợi là “thời khắc lịch sử rất đáng để tự hào” với một hiệp định mang tính ràng buộc được kỳ vọng sẽ ngăn chặn cuộc khủng hoảng rác thải nhựa không có ranh giới trên toàn cầu.

Ngư dân đánh bắt cá trong vùng nước ô nhiễm nhựa ở Bandar Lampung (Indonesia).

Đại diện gần 200 quốc gia dự Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) ở thủ đô Nairobi của Kenya trong tuần này đã đồng thuận thành lập một ủy ban liên chính phủ để đàm phán và đến năm 2024 sẽ hoàn thiện một hiệp định về rác thải nhựa mang tính ràng buộc pháp lý. Các đại biểu tham dự đều cho rằng cam kết thực hiện hành động đối với cuộc khủng hoảng rác thải nhựa là quyết định môi trường quan trọng nhất mà Liên hợp quốc đưa ra trong nhiều năm.

Tổng Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Marco Lambertini cho biết: “Chúng ta đang đứng trước ngã rẽ trong lịch sử khi những quyết định đầy tham vọng được đưa ra ngày hôm nay có thể ngăn chặn ô nhiễm nhựa đang có nguy cơ làm sụp đổ hệ sinh thái trên hành tinh này”. Khuôn khổ hiệp định được nhiều quốc gia ủng hộ, trong đó gồm các nước có nhà sản xuất nhựa lớn như Mỹ và Trung Quốc. Dù chưa đưa ra các chính sách cụ thể, nhưng hiệp định sẽ bao quát toàn bộ vòng đời của mọi vật chất làm bằng nhựa và có thể bao gồm những quy định mới về sản xuất, tái thiết kế sản phẩm để thuận tiện hơn cho việc tái sử dụng, dùng lâu bền và phân hủy tốt hơn.

Kể từ năm 1950, tốc độ sản xuất nhựa đã phát triển nhanh hơn bất kỳ loại vật liệu nào khác, vượt xa những nỗ lực nhằm giữ cho môi trường trong sạch. Ngày nay, khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa được sản xuất hằng năm. Nhựa đã được tìm thấy trong băng biển Bắc Cực, bụng cá voi và bầu khí quyển của trái đất. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ đáng sợ về tác động của nhựa đối với sức khỏe con người và môi trường. Ô nhiễm nhựa không chỉ là vấn đề rác thải trên biển mà rộng hơn, là một cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến hành tinh, từ sản xuất đến xử lý. Hơn 99% nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch và quá trình sản xuất thải ra các hóa chất độc hại khác. Khi ngày càng có nhiều sản phẩm từ nhựa thì người tiêu dùng sẽ càng phải đối mặt với những nguy cơ về sức khỏe. Đang có nhiều sự đồng thuận của giới khoa học rằng có các hóa chất độc hại trong bao bì nhựa rò rỉ vào thực phẩm và đồ uống. Trong khi đó, rác thải nhựa gây ô nhiễm thường được chuyển đến các bãi rác, xử lý trong lò đốt gây nguy cơ ô nhiễm...

Một vấn đề khác được đặt ra là việc nhiều quốc gia trở thành bãi chứa rác thải nhựa từ các nước khác. Do đó, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng tất cả các quốc gia nên tham gia vào một hiệp ước để một số quốc gia không bị coi là bãi thải của các quốc gia khác. Đây cũng là thách thức cho chặng đường khó khăn phía trước, bao gồm các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm nhựa. Vì lý do này, nhiều khu vực ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đã dẫn đầu trong việc phát triển các chính sách giảm thiểu sản xuất và chất thải nhựa. Chile đã thông qua đạo luật nhắm vào đồ dùng thực phẩm bằng nhựa sử dụng một lần vào tháng 5-2021. Ở châu Phi, hầu hết các quốc gia đều có luật nhằm giảm sản xuất nhựa hoặc điều chỉnh việc thải bỏ chúng.

Theo báo cáo mới đây của WWF, nếu Liên hợp quốc không thông qua hiệp định hạn chế sản xuất và sử dụng nhựa, ô nhiễm nhựa ở đại dương có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2050 và sẽ gây ra thiệt hại sinh thái trên diện rộng. Tuy nhiên, sự kiện gần 200 nước tham gia vào lộ trình đàm phán hiệp định nhựa toàn cầu cho thấy một sự đồng thuận nhất trí cao nhằm chống lại thảm họa toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu: Kỳ vọng vào hiệp định quốc tế đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.