(HNM) - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 về "Phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại" ngày 24-10 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không hài lòng với kết quả chống buôn lậu, gian lận thương mại trên cả nước.
Phó Thủ tướng đã chỉ ra gian lận về thuế còn lớn, hàng giả, hàng nhái còn nhiều nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến than, khoáng sản, thuốc lá, vật tư nông nghiệp và các tỉnh để diễn ra tình trạng này là Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị và An Giang.
Buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra từ nhiều năm nay ở trên biển, qua đường hàng không, nhất là ở các tỉnh có đường biên giới trên bộ. Không chỉ hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới mà còn có ở rất nhiều sản phẩm giả, nhái nhãn mác của các thương thiệu hàng Việt Nam. Đáng nói là kể từ khi thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều doanh nghiệp trong nước đã đổi mới công nghệ, giảm giá thành, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng thì tình trạng giả nhãn mác doanh nghiệp trong nước lại càng nhiều. Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) kêu than vì hàng dệt kim thương hiệu Hanosimex nổi tiếng trong nước từ nhiều năm nay bị làm giả từ nước ngoài rồi gắn tên Hanosimexx tuồn vào trong nước mà doanh nghiệp này không có cách nào ngăn chặn. Rồi bột giặt, bánh kẹo, mì chính… cũng trong tình trạng như vậy. Ở một khía cạnh khác, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 02/CT-TTg cấm xuất khẩu khoáng sản thô bắt đầu từ tháng 2-2012, song bằng nhiều cách, các doanh nghiệp vẫn đưa được khoáng sản thô qua biên giới…
Buôn lậu, gian lận thương mại tác động xấu đến nền kinh tế, nói một cách chính xác là phá hoại nền kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là gây thất thu thuế cho Nhà nước. Con số 2.600 tỷ đồng truy thu thuế từ 44.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ trong ba tháng 8, 9 và 10-2014 được công bố tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 389 là đáng mừng khi thâm hụt ngân sách năm 2014 là 5,3%. Tuy nhiên, không khó để hình dung số tiền thất thu cho ngân sách khi buôn lậu, gian lận thương mại qua mặt cơ quan chức năng chắc chắn còn lớn hơn nhiều số tiền truy thu. Trong khi dự trữ ngoại hối của nước ta còn thấp thì hằng năm đã mất gần 1 tỷ USD để nhập lậu thuốc lá và dự kiến năm 2014 Nhà nước còn thất thu khoảng 8.000 tỷ đồng tiền thuế. Không chỉ chảy máu ngoại tệ, thất thu ngân sách, buôn lậu, gian lận thương mại còn "bóp chết" sản xuất trong nước vì hàng lậu không thuế nên bán rẻ hơn hàng cùng loại sản xuất trong nước. Đáng chú ý là tình trạng buôn lậu ngày càng gia tăng còn khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng, từ bỏ ý định mở rộng cơ sở sản xuất, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động tăng cao.
Quốc hội đã ban hành nhiều luật, Chính phủ cũng đã ra nhiều văn bản về chống buôn lậu, gian lận thương mại nhưng tại sao tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn? Nếu ai có thời gian về La Phù (Hà Nội) và Thổ Tang (tỉnh Vĩnh Phúc), nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán sẽ mục kích hàng hóa gồm: Mỹ phẩm, bánh kẹo và nhiều thứ khác, toàn nhãn mác có tên tuổi mà giá rẻ giật mình. Giới truyền thông đã gọi La Phù, Thổ Tang là "thủ phủ của hàng rởm". Hành vi ngang nhiên buôn bán hàng lậu, hàng rởm, hẳn phải có bảo kê, tiếp tay của cán bộ địa phương, của chính lực lượng được giao nhiệm vụ này từ biên giới đến các tỉnh nằm sâu trong nội địa, thì mới tồn tại được.
Nếu người đứng đầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương không nhận thức buôn lậu, gian lận thương mại là phá hoại nền kinh tế và nếu không kiên quyết loại bỏ cán bộ thoái hóa biến chất để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này thì buôn lậu, gian lận thương mại ắt sẽ còn diễn ra và tác động tiêu cực đến nền kinh tế, làm giảm sút niềm tin của nhân dân nói chung và người tiêu dùng nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.