Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người do cháy, nổ

Minh Bảo| 07/10/2022 06:35

(HNM) - Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người và hậu quả nghiêm trọng do yếu tố chủ quan; nâng cao hơn nữa ý thức, kỹ năng của người dân trong phòng, chống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ là những nội dung chính trong Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 5-10-2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy do Văn phòng Chính phủ ban hành.

Theo thông báo trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian vừa qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, khách quan thì công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. 5 năm qua đã có 440 người chết và hàng nghìn người bị thương; trên 60% số vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra ở đô thị... 

Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, để đạt được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người và hậu quả nghiêm trọng do yếu tố chủ quan, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 47-CT/TƯ và Kết luận số 02-KL/TƯ của Ban Bí thư, các văn bản có liên quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo quản lý của mình...; tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nhất là kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và tự bảo vệ mình... Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Trước mắt, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, tập trung vào các cơ sở đông người, khu vực nguy cơ cao về cháy, nổ như: Chung cư, nhà cao tầng, khu công nghiệp, chợ, nhà kho, quán karaoke, vũ trường, quán bar... Xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục đối với các cơ sở đưa vào sử dụng, hoạt động không bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm minh, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong giám sát, kiểm tra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt hậu quả chết người do cháy, nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.