Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn đầu cơ, điều tiết thị trường

Khánh Khoa| 26/05/2010 05:15

(HNM) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ quy định về thuế áp dụng đối với đất. Song thảo luận dự án Luật Thuế nhà - đất, chiều 25-5, một số ĐB Quốc hội cho rằng, nếu chỉ áp dụng đối với đất, dự án luật chưa trở thành công cụ điều tiết thị trường bất động sản như kỳ vọng.

Chưa áp thuế nhà, cần áp thuế mạnh với nhóm đầu cơ

Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế nhà - đất do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày, hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về việc đưa hay không đưa nhà ở vào diện chịu thuế. Sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, nghiên cứu thận trọng các ý kiến đóng góp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù việc áp dụng thuế đối với nhà ở góp phần tăng cường công tác quản lý, song trước mắt chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế. Qua lấy ý kiến nhân dân, việc áp thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao. Hơn nữa, khi nền kinh tế chưa ổn định, việc áp thuế nhà ở sẽ tác động đến tâm lý và làm tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân. Mặt khác, một trong những mục tiêu áp thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ tập trung vào đất, căn cứ vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất… Dự kiến số thu từ thuế nhà ở cho ngân sách không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu thuế lại không nhỏ. Xuất phát từ những lý do trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa quy định về thuế đối với nhà ở và chỉ giữ lại các quy định về thuế áp dụng với đất ở.

Luật Thuế nhà đất được nhiều đại biểu QH đóng góp ý kiến. Ảnh: Minh Duy

Một số ĐB Quốc hội không tán thành với việc chưa áp dụng thuế với nhà ở. ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) nêu, thị trường bất động sản không chỉ có đất mà xuất hiện nhiều loại nhà ở khác nhau. Thực tế, nhiều dự án nhà chung cư chưa xong móng nhưng đã bán hết, đa số người mua là đầu cơ, đẩy giá nhà lên rất cao nên thuế chỉ áp dụng với đất là chưa đầy đủ để trở thành công cụ để điều tiết thị trường.

Cho rằng chưa đánh giá hết được thực trạng có bao nhiêu nhà, đất đang bị bỏ hoang vì đầu cơ? Bao nhiêu người còn thiếu nhà ở? ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, nếu thuế chỉ áp dụng với đất thì chỉ cần điều chỉnh Pháp lệnh Thuế nhà, đất, với một số nội dung như dự thảo luật là đủ. "Nếu thuế không áp với những hộ chỉ sở hữu một nhà để ở mà "đánh" vào những người đầu cơ, sở hữu nhiều nhà, đất, tôi tin rằng cử tri cả nước sẽ ủng hộ" - ĐB Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Quan điểm trên cũng được ĐB Cao Thành Văn (Bạc Liêu), Lê Dũng (Tiền Giang) tán thành khi cho biết, cử tri kỳ vọng sẽ có sắc luật điều tiết thị trường, ngăn chặn đầu cơ bất động sản, thu của người thu nhập cao để san sẻ cho người nghèo.

Thu thuế đất lấn chiếm

Ngoài việc nên hay không nên áp thuế với nhà ở, các ĐB Quốc hội cũng thảo luận sôi nổi các nội dung khác của dự án Luật Thuế nhà - đất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc căn cứ diện tích trên giấy chứng nhận để tính thuế là không hợp lý, chưa công bằng vì hiện tượng lấn chiếm đất khá phổ biến. Mặt khác, không phải mọi trường hợp diện tích ghi trên giấy chứng nhận đều bằng diện tích sử dụng thực tế. Vì vậy, dự thảo luật bổ sung quy định mức thuế suất riêng đối với đất lấn chiếm là 0,15%; đồng thời khẳng định rõ, việc thu thuế đối với diện tích đất lấn chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này.

Dự thảo luật cũng đề nghị 3 mức thuế suất đối với đất ở là 0,03% nếu trong hạn mức; 0,06% nếu vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần và 0,1% nếu vượt hạn mức trên 3 lần. Đất sử dụng sai mục đích, được giao mà không đưa vào sử dụng đúng thời hạn áp dụng thuế suất 0,1%.

Về mức thuế suất, ĐB Vũ Hồng Anh cho rằng, với đất sử dụng lãng phí phải áp dụng mức thu cao hơn nữa mới góp phần làm lành mạnh thị trường, mang lại lợi ích cho nhân dân. Tương tự, ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) băn khoăn, mức thuế áp dụng với đất lấn chiếm còn thấp, vô tình khuyến khích tình trạng lấn chiếm đất…

Thảo luận dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Tại phiên họp buổi sáng, thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá dự thảo luật còn nhiều nội dung giao Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện, điều đó sẽ làm cho luật chậm đi vào cuộc sống, giảm tính khả thi. Các đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc), Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) nêu thực trạng tài nguyên, năng lượng của nước ta đang ngày một cạn kiệt. Vì vậy, luật cần sớm được đưa vào thực thi, theo hướng bảo đảm tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả và gìn giữ tài nguyên, môi trường. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều ĐB cho rằng, luật còn cần phải chi tiết, cụ thể hơn nữa, tránh trông chờ quá nhiều vào văn bản hướng dẫn.

Đại biểu Nguyễn Danh (đoàn Gia Lai), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị cần xác định rõ cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và cần có quy định cụ thể về mức tiêu thụ năng lượng đối với các công trình như một điều kiện cho phép triển khai xây dựng…

Thành Tâm
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn đầu cơ, điều tiết thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.