Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn buôn bán, sử dụng pháo nổ

Chu Dũng| 03/01/2021 06:17

(HNM) - Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề cũng là thời điểm nhiều đối tượng sử dụng các phương thức, thủ đoạn tinh vi để buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ trái phép. Hiện Công an thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo nổ.

Pháo bông, pháo giấy (không có thuốc nổ) là loại pháo người dân được phép sử dụng. Ảnh: Kim Anh

Nhiều phương thức tinh vi

Ngày 31-12-2020, Công an huyện Đông Anh đã khởi tố Trịnh Văn Tuấn (sinh năm 1960, ở huyện Sóc Sơn) để điều tra hành vi mua bán hàng cấm. Trước đó, vào 14h30 ngày 23-12-2020, Tuấn bị bắt quả tang khi vận chuyển pháo nổ. Khám xét khẩn cấp chỗ ở của đối tượng, công an thu giữ 40 hộp pháo dàn, 420 quả pháo tròn, 2 bánh pháo, với tổng khối lượng là gần 100kg. Tại cơ quan công an, đối tượng khai do hám lợi nhuận cao nên dù biết pháo nổ là hàng cấm nhưng vẫn lén lút kinh doanh…

Đây chỉ là một trong số hàng chục vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ bị các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát giác trong một tháng qua. Về vấn đề này, Đại tá Lê Đức Hùng, Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm nhận định, tội phạm buôn bán, vận chuyển pháo nổ lợi dụng dịp Tết thường bất chấp thủ đoạn. Nhiều đối tượng còn lôi kéo thêm người thân tham gia cùng, điển hình như Vũ Duy Bắc (sinh năm 1981, ở quận Long Biên) lôi kéo vợ và em gái tham gia.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Quyền, Trưởng Công an quận Hà Đông phân tích, nếu như trước đây, việc vận chuyển pháo nổ chủ yếu bằng xe khách, xe tải hoặc chia nhỏ pháo vận chuyển bằng xe máy vào Hà Nội thì bây giờ tội phạm đã thuê xe taxi để vận chuyển. Ngoài ra, các đối tượng thường liên hệ, chào bán qua mạng xã hội và sử dụng dịch vụ giao hàng để giao dịch nên việc phát hiện đầu mối phạm pháp là không đơn giản. Ngoài ra, pháo nổ là mặt hàng siêu lợi nhuận. Một giàn pháo nổ mua từ nước ngoài có giá 70.000-80.000 đồng nhưng khi mang vào Việt Nam được bán với giá gấp 10-15 lần. 

Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, từ ngày 15-12-2020 đến nay, lực lượng Công an Hà Nội đã phát hiện 13 vụ việc liên quan đến buôn bán, vận chuyển pháo nổ, trong đó đã khởi tố 4 vụ. Dự báo tình hình còn diễn biến phức tạp.

Để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an thành phố đã phân loại 4 nhóm đối tượng đấu tranh chủ đạo là nhóm chế tạo, sản xuất pháo trái phép; nhóm mua bán pháo trái phép; nhóm tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép; nhóm sử dụng pháo trái phép.

Công an thành phố Hà Nội ra quân mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm, trong đó có tội phạm về pháo nổ.

Tăng cường các biện pháp mạnh

Một vấn đề nổi lên hiện nay là nhiều đối tượng đã cố tình xuyên tạc Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27-11-2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo khiến người dân đang có sự nhầm lẫn, chưa phân biệt rõ giữa pháo hoa và pháo hoa nổ. Về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Nghị định số 137/ 2020/NĐ-CP quy định cấm sử dụng pháo nổ. Pháo hoa là loại pháo không có thuốc nổ, không gây tiếng nổ mà chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian. Cho nên các cấp, ngành cần tuyên truyền sâu rộng để doanh nghiệp, người dân hiểu rằng chỉ được sử dụng pháo hoa (loại pháo không gây ra tiếng nổ) trong dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị và phải mua hàng ở những nơi quy định…

Ông Vương Đình Nấu (làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) cho biết: “Chúng tôi luôn ủng hộ việc đấu tranh mạnh với tội phạm buôn bán, tàng trữ trái phép pháo nổ. Hơn bao giờ hết, người Bình Đà vốn từng tạo nên làng sản xuất pháo lớn nhất cả nước lại càng hiểu giá trị đích thực của cuộc sống yên bình khi không có người thương vong do pháo nổ xảy ra hằng năm”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng, để ngăn chặn buôn bán, sử dụng pháo nổ cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp, trong đó phải huy động, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. "Ở huyện Đông Anh, mỗi người dân là “tai mắt” của lực lượng chức năng trong việc phát hiện sai phạm. Việc bắt giữ đối tượng Trịnh Văn Tuấn có sự hỗ trợ lớn từ nguồn tin của nhân dân", ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Công an thành phố chỉ đạo công an các địa phương tổ chức cho 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, các hộ dân trên địa bàn ký cam kết không tàng trữ, kinh doanh và đốt pháo nổ. Đặc biệt, Công an thành phố yêu cầu công an 30 quận, huyện, thị xã cùng ký cam kết, trong đó địa bàn nào để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ thì người đứng đầu đơn vị, địa bàn đó sẽ phải chịu trách nhiệm.

Với những biện pháp mạnh, tin tưởng rằng việc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt pháo nổ từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội đầu xuân 2021 sẽ được ngăn chặn, để mọi người, mọi nhà đón xuân mới trong an lành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn buôn bán, sử dụng pháo nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.