Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn bánh “bẩn” tuồn ra thị trường

Thu Trang| 14/09/2020 06:44

(HNM) - Tết Trung thu đang đến gần cũng là thời điểm các loại bánh trung thu giá rẻ, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng tuồn ra thị trường. Chính vì vậy, thời điểm này, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đang tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng bánh trung thu nhằm ngăn chặn các sản phẩm không bảo đảm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Nhân viên khách sạn JW Marriott Hà Nội được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ khi làm bánh. Ảnh: Trang Thu

Chấn chỉnh từ lỗi nhỏ nhất

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại khách sạn JW Marriott Hà Nội, số 8 Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm). Tại thời điểm kiểm tra, khu vực bếp của khách sạn có sản xuất một số loại bánh trung thu nhân trứng muối, bánh chay, bánh ngọt hoa quả… Đoàn kiểm tra đã lấy một số mẫu dụng cụ, nguyên liệu sản xuất bánh tiến hành xét nghiệm và kết quả đều đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, khách sạn cũng đã xuất trình đầy đủ giấy tờ pháp lý về điều kiện kinh doanh, hồ sơ nguồn gốc các nguyên liệu thực phẩm...

Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở khách sạn chú trọng hơn trong việc bảo quản thực phẩm chín và thực phẩm sống; nhân viên chế biến thực phẩm chín không sử dụng găng tay y tế, mà phải sử dụng găng tay ni lông dùng một lần để bảo đảm an toàn thực phẩm. Ông Trần Văn Chung cho rằng, từ những lỗi tưởng chừng rất nhỏ như người làm bánh sử dụng găng tay không đúng, hay không dùng găng tay, rửa dụng cụ không sạch, bảo quản nguyên liệu không đúng cách… đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Do đó, khi kiểm tra, cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh từ những lỗi nhỏ nhất, yêu cầu cơ sở khắc phục ngay.

Qua quá trình kiểm tra, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Minh Hùng đánh giá, tại các làng nghề sản xuất bánh trung thu truyền thống, như: La Phù (huyện Hoài Đức) hay Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), các hộ sản xuất đều được tập huấn, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm. Nếu như những năm trước còn tình trạng phơi nguyên liệu làm nhân bánh ngoài đường, thì năm nay không xuất hiện. “Năm nay, thị trường bánh trung thu tại Hà Nội có hiện tượng, nhiều loại bánh trung thu giá rất rẻ của Trung Quốc tràn vào. Chỉ trong 3 tuần gần đây, chúng tôi đã phát hiện và thu giữ hơn 30 nghìn chiếc không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ…”, ông Nguyễn Minh Hùng cho biết.

Sau vụ việc nhiều người bị ngộ độc với độc tố botulinum được sản sinh từ vi khuẩn Clostridium botulinum phát hiện trong sản phẩm pate Minh Chay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) lo ngại, không chỉ sản phẩm chay, vi khuẩn Clostridium botulinum có thể phát triển trong môi trường giàu protein, như: Thịt, trứng, sữa... Nếu như bánh trung thu được sản xuất trong môi trường không được thanh trùng cẩn thận, thì trong quá trình bảo quản lâu ngày ở điều kiện không bảo đảm, vi khuẩn sẽ xuất hiện, sinh sôi và sinh ra độc tố. Hơn nữa, thị trường bánh trung thu tự làm (handmade) ngày càng nở rộ. Nếu bánh được làm từ các nguyên liệu trôi nổi sẽ mang đến nhiều nguy cơ, ảnh hưởng tới sức khỏe…

Kiểm soát đầu vào, siết chặt đầu ra

Dù dự báo nhu cầu tiêu thụ bánh trung thu năm nay sẽ giảm so với mọi năm, nhưng nguy cơ bánh trung thu nhập lậu, kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng vẫn rất cao. Do đó, từ nay đến ngày 6-10-2020, các đoàn kiểm tra của thành phố và 30 quận, huyện, thị xã sẽ tăng cường kiểm tra, quản lý từ nguồn gốc nguyên liệu đến khâu phân phối, lưu thông sản phẩm bánh trung thu với mục tiêu kiểm soát đầu vào và siết chặt đầu ra.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, công tác kiểm tra sẽ được tăng cường ở thời điểm trước, trong và sau Tết Trung thu. Trong đó, tập trung kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường cũng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng...

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, ngoài vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm, năm nay các đoàn còn tập trung kiểm tra việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, như: Bố trí đầy đủ các phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở, bảo đảm giãn cách khi tiếp xúc… Trong quá trình kiểm tra, các đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu một số nguyên liệu làm bánh để xét nghiệm nhanh ngay trên xe kiểm nghiệm lưu động. Nếu phát hiện sản phẩm không bảo đảm chất lượng, cơ quan chức năng sẽ lập tức cho dừng lưu thông, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. "Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm bánh trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, hàng lậu…", ông Trần Văn Chung khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn bánh “bẩn” tuồn ra thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.