(HNMO) - Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang tăng cường kiểm tra, xử lý một số phòng khám có bác sĩ là người nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn (chủ yếu là phòng khám tư nhân) có yếu tố nước ngoài đã từng vi phạm và bị xử phạt khung cao nhất vì làm sai các quy định trong hành nghề khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, sai phạm vẫn tiếp tục xảy ra. Thủ đoạn là lấy tiền khám bệnh rẻ, nhưng khi bệnh nhân đồng ý điều trị, các cơ sở y tế này bắt đầu kê bệnh, nâng khống giá thuốc và dịch vụ vô tội vạ.
Mới đây nhất, ngày 29-11, báo chí đã thông tin về vi phạm tại một phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hành nghề, chuyên khám, chữa bệnh “khó nói” cho nam giới. Lợi dụng tâm lý người bệnh ngại ngùng khám và chữa bệnh tại vùng “nhạy cảm” trên cơ thể, các bác sĩ nước ngoài ở phòng khám này đã thông báo tình trạng bệnh rất nặng cho mọi bệnh nhân đến khám, bất kể thực tế là họ chỉ mắc bệnh nhẹ. Sau đó, bác sĩ và phòng khám đưa ra phác đồ điều trị với các phương án phức tạp và giá thành rất cao, để moi tiền từ người bệnh.
Một sai phạm khác là Phòng khám đa khoa Elizabeth trước đây hoạt động tại địa chỉ 87-89 Thành Thái (quận 10). Năm 2014, phòng khám này bị xử phạt 310 triệu đồng vì sai phạm liên quan đến bác sĩ người Trung Quốc. Sau đó, địa chỉ này đổi tên thành phòng khám đa khoa Thành Thái, phòng khám đa khoa Khang Thái, tiếp tục "vẽ bệnh, thu tiền" người bệnh.
Đến khi bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động (có thời hạn), tại địa chỉ cũ phòng khám Khang Thái đã đổi tên thành phòng khám đa khoa Hồng Cường. Tháng 4 vừa qua, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh phát hiện phòng khám này tiếp tục thu giá dịch vụ khám, chữa bệnh cao hơn giá đã niêm yết; chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ngành Y tế đã nỗ lực tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm nêu trên, nhưng do một số bất cập từ thực tiễn quản lý, nên tình trạng vẫn tái diễn.
Thứ nhất là theo pháp luật hiện hành, các bác sĩ người nước ngoài sau khi nộp đủ hồ sơ giấy tờ theo quy định, sẽ được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề. Điều đáng nói là chứng chỉ này được cấp 1 lần, không có thời hạn cấp, nên người được cấp có thể sử dụng suốt thời gian làm việc của mình tại Việt Nam, nên dù có vi phạm, họ vẫn tiếp tục được hành nghề.
Thứ hai là theo Luật Khám, chữa bệnh năm 2011, các phòng khám tư nhân do Sở Y tế quản lý, nhưng với điều kiện thành lập không quá khó khăn, số lượng phòng khám tư nhân ngày một nhiều trong khi nhân sự quản lý hạn chế. Vì vậy, nhiều phòng khám tư nhân hoạt động “ngoài vùng phủ sóng” của cơ quan y tế. Thậm chí có phòng khám vi phạm, bị tạm tước giấy phép hoạt động, người chủ phòng khám lại lập phòng khám mới, đổi tên mới và tiếp tục hành nghề.
Thứ ba là việc quy định hiện hành cho phép bác sĩ người nước ngoài được sử dụng người phiên dịch khi giao tiếp, lên đơn thuốc… cho bệnh nhân dẫn đến tình trạng khi xảy ra sai phạm, bác sĩ có thể đổ lỗi cho phiên dịch “dịch sai ý, sai tên thuốc, sai phác đồ, sai số tiền….” dẫn đến khó thu thập bằng chứng để xử lý.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một mặt, Sở tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài; kêu gọi người dân và chính quyền địa phương nơi có cơ sở y tế tư nhân trú đóng cùng hỗ trợ ngành Y tế phát hiện và kịp thời thông báo qua đường dây nóng, hoặc thông báo qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” hoặc bất cứ hình thức nào có thể để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Mặt khác, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Y tế bổ sung các quy định trong dự thảo Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi và kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Luật này. Theo đó, cần quy định bác sĩ nước ngoài muốn hành nghề khám, chữa bệnh tại Việt Nam bắt buộc phải qua kỳ thi chứng chỉ hành nghề, bắt buộc phải thông thạo tiếng Việt và nói tiếng Việt khi khám bệnh. Cần tăng nặng các hình thức xử phạt như thu hồi vĩnh viễn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu tái phạm các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là các hành vi liên quan đến đạo đức hành nghề khám, chữa bệnh.
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có hơn 14.000 cơ sở y tế tư nhân, trong đó 250 phòng khám đa khoa và 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Mới đây, Sở Y tế đã công bố danh sách 17 phòng khám tư nhân bị người dân phàn nàn nhiều nhất về chất lượng khám chữa bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.