Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn cản trẻ em đến trường: Phản ứng cực đoan của người lớn gây ảnh hưởng tới trẻ

Bảo Hân| 28/11/2019 17:44

(HNMO) - Trước việc một số người dân ở huyện Mê Linh (Hà Nội) không đồng thuận trong việc triển khai dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước đã cho con em nghỉ học để phản đối, gây sức ép..., các đại biểu Quốc hội, luật sư, chuyên gia tâm lý đã lên tiếng phản đối, đồng thời phân tích làm rõ về tác hại, hệ lụy gây ra với trẻ sau này.

Số học sinh nghỉ học và trở lại trường tại địa bàn hai xã Thanh Lâm và Tam Đồng (huyện Mê Linh) có nhiều biến động.

Quyền được đi học của trẻ là không thể xâm phạm!

Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định, hành vi ngăn cản không cho trẻ đến trường đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như Công ước quốc tế về quyền trẻ em, cụ thể ở đây là quyền được học tập và được giáo dục trong trường học.

Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục”. Luật Trẻ em, Luật Giáo dục cũng quy định rõ về quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu của trẻ em… Theo quy định của pháp luật nước ta, quyền được đi học của trẻ là bất khả xâm phạm. Mọi hành vi ngăn cản quyền học tập, vui chơi hoặc quyền khác của trẻ em đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

“Các cá nhân, tổ chức hoặc bất kỳ người nào có hành vi ngăn cản quyền được đến trường của trẻ, tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng”, luật sư Nguyễn Anh Thơm phân tích. 

Cũng theo vị luật sư này, xét tính chất, mức độ việc đang xảy ra ở Mê Linh, có thể xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của một số người. Sự việc xảy ra không liên quan đến trẻ em nhưng người lớn lại lấy trẻ em ra để gây sức ép. Hành vi này không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm về đạo đức xã hội, truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam trong nuôi dạy con cái.

Trao đổi với HNMO ngày 28-11, ông Vũ Văn Hảo, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Mê Linh cho biết, ngay khi sự việc mới xảy ra, Hội đã quyết liệt vào cuộc, yêu cầu chi hội khuyến học của hai xã Tam Đồng và Thanh Lâm phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể trong xã, xuống từng gia đình tuyên truyền, vận động để người dân tiếp tục cho con em tới trường. 

“Giai đoạn hiện nay, các trường đang trong thời gian tập trung ôn tập, củng cố kiến thức để các học sinh thi học kỳ I năm học 2019-2020 nên các em nghỉ học sẽ thiếu hụt kiến thức, khó đạt được kết quả thi tốt. Do đó, phụ huynh nên đưa con em trở lại trường học, không vì bất cứ lý do gì để ảnh hưởng đến kết quả học tập của con em mình”, ông Hảo nêu.

Ông Hảo cũng cho biết, qua nắm bắt thực tế tại nhiều hộ gia đình cho thấy, trẻ đều thiết tha, mong được đi học nhưng nhiều phụ huynh đã ngăn cản. 

“Chúng tôi khi đi vận động đều nhấn mạnh, người lớn có thể sử dụng những quyền của công dân được pháp luật cho phép để thể hiện mong muốn, nguyện vọng của mình nhưng không được xâm phạm tới quyền trẻ em. Trong khi còn có nhiều trẻ em, tại những gia đình, vùng miền còn thiếu thốn, khó khăn về vật chất, giao thông đi lại xa xôi cách trở còn khao khát được đi học, thì ngay tại những gia đình đầy đủ điều kiện lại cản trở quyền được đi học, tiếp thu kiến thức của trẻ”, ông Hảo bày tỏ.

Lo ngại những ảnh hưởng lâu dài đến trẻ

Trước sự việc này, đại biểu Quốc hội Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) nêu quan điểm, phản ứng của người lớn, của các phụ huynh học sinh như vậy mang tính cực đoan, bởi pháp luật đã có đầy đủ quy định bảo đảm để người dân được thực hiện quyền của mình.  

"Chính phản ứng cực đoan của người lớn như vậy sẽ ảnh hưởng tới con trẻ đầu tiên. Bởi trẻ em rất nhạy cảm, hay bắt chước việc làm của người lớn xung quanh. Sau này, khi không bằng lòng hay không đồng tình với sự việc gì, trẻ dễ có phản ứng không đi học nữa. Khi ấy, câu chuyện sẽ đi theo chiều hướng khác, gây nhiều hệ lụy mà có phần nguyên nhân do chính người lớn đã không nêu gương", đại biểu nói.

Cùng quan tâm đến sự việc này, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên) bày tỏ, nhất định không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của con trẻ. Việc cản trở trẻ đến trường hoặc cản trở những sinh hoạt đời thường hằng ngày đều rơi vào nhóm quyền cho trẻ như quyền được học tập, phát triển. Đó là hành vi trái pháp luật về quyền trẻ em. 

"Trong những trường hợp này, theo tôi, một số phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về Luật Trẻ em và quyền trẻ em. Một số người lớn hay có thói quen là chỉ áp suy nghĩ của mình vào con mà không nghĩ cho con. Trong trường hợp này là người lớn sử dụng trẻ em để gây sức ép, thực hiện mong muốn của mình.

Hành động này tạo cho trẻ suy nghĩ không hay về người lớn và vô tình hình thành kỹ năng phản ứng lệch lạc trước mọi vấn đề xã hội ở trẻ. Các em sẽ có những phản kháng không đáng có, không đặt mình vào các vị trí của nhau để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật", đại biểu nói.

Phân tích sâu hơn dưới góc độ tâm lý trẻ em, Tiến sĩ Vũ Việt Anh, Tổng Giám đốc Học viện Thành Công, đơn vị chuyên đào tạo kỹ năng cho thanh thiếu niên cho rằng, tất cả hành vi của người lớn đều gây ảnh hưởng lớn đến trẻ em. Người lớn, trong đó có bố mẹ luôn là thần tượng trong ánh mắt của con. Trẻ thường có niềm tin tuyệt đối vào cha mẹ. Do đó, những hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật của bố mẹ có thể trong mắt trẻ sẽ coi đương nhiên là đúng, dẫn đến dễ bắt chước và làm theo.

"Khoa học đã nghiên cứu rõ ràng rằng, nếu trong gia đình có hành xử tiêu cực thì trẻ dễ có xu hướng hành xử theo. Nghiên cứu cụ thể của Bộ Công an cũng đã chỉ ra, trẻ em sinh ra trong gia đình sử dụng biện pháp bạo lực, tiêu cực thì con dễ vi phạm pháp luật. Do đó, ở khía cạnh tâm lý học, đây là hành vi không nên bởi đã và đang gây ra sự xâm hại đến trẻ”, Tiến sĩ Việt Anh đưa ra nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn cản trẻ em đến trường: Phản ứng cực đoan của người lớn gây ảnh hưởng tới trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.