(HNM) - Trên thực tế, khi cơ quan chức năng phun thuốc phòng, chống dịch, nhiều gia đình từ chối hợp tác, thậm chí còn có những lời nói, hành động cản trở…
Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết tại quận Đống Đa. Ảnh: Dương Linh |
Cố tình không hợp tác - phải xử phạt
Đánh giá diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hà Nội đã ghi nhận gần 20.000 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp tử vong và trở thành địa phương đứng đầu cả nước về số mắc. Những tuần gần đây, dù số người mắc có xu hướng chững lại nhưng dịch chưa giảm. Thậm chí, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy, dịch bệnh đã được kiểm soát. Công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết của Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn chứng, một bộ phận người dân vẫn chủ quan, xem thường bệnh sốt xuất huyết, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống; chưa hợp tác trong việc phun hóa chất. Thậm chí, khi biết thông tin xã, phường tổ chức phun hóa chất đã khóa cửa hoặc chỉ cho phun ở sân, tầng 1. Theo đánh giá độc lập của Đoàn chuyên gia thuộc Bộ Y tế, việc phun hóa chất và diệt bọ gậy chưa được triệt để. Cụ thể, 10% nhà đóng cửa không tiếp cận được, 35% các hộ không chấp nhận phun hết các tầng, tỷ lệ hộ chỉ cho phun tầng 1 chiếm 50-60%. Vì vậy, sốt xuất huyết chưa thực sự “hạ hỏa”.
Được biết, ngày 14-11-2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tại Hà Nội, từ cuối năm 2015, thành phố đã đề xuất xử phạt hành chính người dân không hợp tác trong phòng, chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 6-2017, mới có hộ kinh doanh đầu tiên tại Thủ đô nhận quyết định xử phạt với mức 2 triệu đồng.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tại tất cả các buổi kiểm tra phòng chống dịch bệnh, ngành Y tế đều đề nghị UBND các quận, huyện phải triển khai nội dung xử phạt này. Bởi, rất nhiều người dân vẫn cho rằng, công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ của ngành Y tế, của chính quyền địa phương. Khi triển khai việc xử phạt vi phạm này, người dân không thể coi nhẹ việc phòng dịch theo lối suy nghĩ "thích thì thực hiện không thì thôi". Tuy nhiên, mọi việc vẫn chủ yếu dừng ở mức nhắc nhở.
Kiên quyết vì quyền lợi của cộng đồng
Tại quận Hoàng Mai, đơn vị có số ca bệnh sốt xuất huyết đứng đầu thành phố (hơn 3.200 ca mắc), ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, toàn quận đã tổ chức 3 đợt ra quân cao điểm, sử dụng hơn 4 tỷ đồng chống dịch. Quận cũng đã tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ phát sinh bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cao trên địa bàn 14 phường, đồng thời xử lý vi phạm hành chính 3 cơ sở kinh doanh lốp ô tô và 1 công trình xây dựng không tuân thủ công tác phòng, chống dịch với số tiền phạt gần 5,3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đa phần các quận, huyện chưa thực hiện nghiêm Nghị định 176. Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm khẳng định, người dân vẫn thiếu ý thức nhưng quận chưa xử phạt được cá nhân hay đơn vị nào vi phạm trong vấn đề này. Theo ông Trần Thanh Long, việc xử phạt đối với hộ kinh doanh dễ hơn đối với hộ dân. Bởi, khi nhân viên y tế đến phun hóa chất hay các đội xung kích kiểm tra dụng cụ chứa nước có bọ gậy, nhiều gia đình đã không mở cửa. “Việc tiếp cận được với các hộ dân còn khó chứ chưa nói đến việc ra quyết định xử phạt. Mới đây, quận đã kiện toàn lại các đội xung kích diệt bọ gậy và bổ sung thêm lực lượng công an để công tác kiểm tra, xử phạt được triển khai tốt hơn”, ông Trần Thanh Long nói.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, mỗi địa phương cần đẩy mạnh việc thực hiện giám sát, kiểm tra, phát hiện và áp dụng việc xử phạt nghiêm đối với các hộ vi phạm. Nhưng lưu ý trước khi phạt cần hướng dẫn, vận động các đơn vị, tổ chức, người dân thực hiện. Việc xử phạt phải làm sao để người dân “tâm phục, khẩu phục”, nhận thức rõ hành động không đúng của mình sẽ khiến dịch lây lan ra cộng đồng.
Với những gì đang diễn ra cho thấy, công tác phòng, chống dịch cần tiếp tục được triển khai quyết liệt. Hiện nay, các địa phương có đội xung kích diệt muỗi, lăng quăng nhưng cần thiết hơn vẫn là ý thức của người dân. Khi lực lượng chức năng đã nhắc nhở mà người dân vẫn không thực hiện thì sẽ tiến hành xử phạt và việc này phải được làm mạnh trong thời gian tới. Đây cũng là cách giúp người dân nâng cao ý thức, chấp hành tốt pháp luật.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, việc xử phạt các trường hợp không hợp tác phòng, chống dịch căn cứ theo Nghị định 176. Cụ thể, tại Điều 11, Mục 1, Chương 2 quy định hành vi vi phạm, hình thức xử phạt hành chính về y tế dự phòng dịch: Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.