Thiết bị thăm dò tự hành Curiosity trên sao Hỏa ghi hình cảnh tượng một thiên thể che khuất mặt trời vào ngày 13/9.
Vệ tinh Phobos của sao Hỏa che khuất một phần nhỏ đĩa mặt trời hôm 13/9. Ảnh: NASA. |
Cảnh tượng nhật thực trên sao Hỏa xảy ra vào ngày 13/9, khi vệ tinh Phobos của hành tinh đỏ che khuất một phần mặt trời, Livescience đưa tin. Nó hoàn toàn khác với cảnh tượng nhật thực trên trái đất mà chúng ta từng quan sát. Mặt trăng có kích thước đủ lớn để che khuất toàn bộ đĩa mặt trời khi trái đất, mặt trăng và mặt trời xếp thẳng hàng. Ngược lại, Phobos có kích thước quá nhỏ (đường kính trung bình của nó là 22 km) nên nó chỉ che khuất một phần nhỏ mặt trời. Vì thế nhật thực toàn phần không bao giờ xảy ra khi con người quan sát từ sao Hỏa.
Deimos, một vệ tinh khác của sao Hỏa, thậm chí còn nhỏ hơn Phobos và cách xa sao Hỏa hơn. Khi sao Hỏa, Deimos và mặt trời xếp thẳng hàng, diện tích đĩa mặt trời mà nó che khuất còn nhỏ hơn so với Phobos.
Hình minh họa sao Hỏa và vệ tinh Phobos của nó. Nhật thực hôm 13/9 xảy ra khi mặt trời, Phobos và sao Hỏa xếp thẳng hàng và Phobos ở giữa hai thiên thể kia. Ảnh: arcadiastreet.com. |
Nhiều nhà khoa học cho rằng Phobos và Deimos từng là thiên thạch lang thang trước khi bị hút về phía sao Hỏa bởi lực hấp dẫn.
Việc Curiosity chụp ảnh nhật thực không phải là sự kiện tình cờ. Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã chuẩn bị cho sự kiện này từ trước
“Tôi nghĩ hai vệ tinh của sao Hỏa sẽ che khuất một phần mặt trời ba lần trong tháng tới. Chúng mang đến cơ hội chiêm ngưỡng sự kiện thiên văn độc đáo mà chúng ta chưa từng thấy”, Jennifer Trosper, một nhà khoa học của NASA, phát biểu.
Theo cách nhà khoa học, những bức ảnh về nhật thực của Curiosity giúp họ hiểu rõ hơn quỹ đạo và quá trình vận động của Phobos và Deimos.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.