Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngại trời và sợ... người

Đức Trường| 09/09/2010 07:36

(HNM) - Người Hà Nội cũng như những người làm trong ngành thoát nước không thể quên được trận mưa đổ xuống Thủ đô từ ngày 31-10 đến 4-11-2008. Trong mấy ngày đó, Hà Nội đã phải hứng một lượng mưa khủng khiếp, lớn nhất trong vòng 50 năm.

Đưa robot xuống cống ngầm để xác định vị trí bị tắc. Ảnh: Hà Trang


Những chuyện giờ mới kể
Ngày đầu tiên trận mưa lịch sử diễn ra, không ai trong cánh báo chí tiếp cận được khu vực trạm bơm Yên Sở vì nơi này chìm trong biển nước. Trên mặt báo lúc đó, rất hiếm những thông tin về trạm bơm Yên Sở, ngoại trừ mấy dòng từ báo cáo của Công ty Thoát nước. Để ôn lại trận mưa lịch sử này, tôi đã tìm gặp lại những người công nhân, kỹ sư ứng trực ngay đêm trước ngày mưa như trút nước đó. Anh Tạ Quang Hưng, Tổ trưởng Tổ Vận hành bơm trạm bơm Yên Sở thuộc Xí nghiệp Quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở, kể lại, đến 5 giờ chiều 30-10, anh em trạm bơm đã ở lại trực theo đúng quy trình ứng trực trong mùa lụt bão vì nước cứ ngày càng lên cao. Ban đầu không ai nghĩ phải ở lại trực qua đêm, không ngờ nước lại lên to như thế. Càng về khuya, mưa càng to, nước đổ về trạm càng nhanh, không tưởng tượng nổi. Đến hơn 11 giờ đêm, nước đã lên cao ngang người, 30 anh em đang có mặt lúc đó phải đi đóng bao tải cát để bao quanh trạm bơm và trạm biến áp. Cốt sàn trạm bơm theo thiết kế là 5,4 mét nhưng mực nước đã lên tới hơn 5 mét. Hôm đó, nếu không hoành triệt kịp thì trạm bơm "đứt" luôn. Trước đó, ngày 29-10, cả 11 tổ máy đã chạy hết công suất.

Đến sáng 31-10, trạm bơm Yên Sở bị nước ngập tứ bề. Trong khi đó, trời vẫn mưa xối xả. Vì là rốn nước của Hà Nội nên nước khắp nơi dồn cả về trạm bơm. Tối 31-10, nước tràn cả hai kênh dẫn đến trạm. Xung quanh trạm là một biển nước. "Đêm nguy kịch nhất là đêm thứ sáu 31-10", anh Hưng nhớ lại, "đã có lúc nước chỉ còn cách điểm tự ngắt của trạm điện hơn 2cm". Anh em vẫn đội mưa, lội nước phải nhẹ nhàng để đề phòng nước tạo sóng chạm vào điểm tự ngắt. Lúc đó, nếu chạm điện thì không biết bao nhiêu người sẽ chết trong khi nước lại không thể thoát ra sông Hồng vì trạm bơm bị tê liệt.

Vào lúc nguy cấp đó, những người chịu trách nhiệm về thoát nước cho Hà Nội đều có mặt ở đó. Từ Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính Lê Văn Dục, Giám đốc Công ty Thoát nước Nguyễn Lê, Giám đốc Ban Quản lý dự án thoát nước Hà Nội Phạm Văn Cường… đến các chuyên gia người Nhật đều có mặt tại hiện trường. 3 giờ sáng 1-11, thấy lượng nước về quá lớn, các chuyên gia người Nhật cứ khăng khăng đòi dừng trạm bơm để bảo đảm an toàn cho 11 máy bơm. Nhưng ông Lê Văn Dục, sau khi bàn bạc với những người có trách nhiệm đã ra quyết định, vừa tiếp tục bơm, vừa đắp bao tải cát, vừa tát nước và chạy máy bơm hút nước trong bờ bao ra vừa trông mực nước về. Và kể từ đó, 11 máy bơm với công suất 45 mét khối nước mỗi giây đã chạy liên tục trong 19 ngày tiếp theo. Lo cho điểm thoát nước duy nhất của thành phố ra sông Hồng, sáng 1-11, Công ty Thoát nước đã huy động khoảng 700 người, lãnh đạo Hà Nội đã phải điều động hàng trăm chiến sỹ bộ đội và phương tiện để đưa bao tải cát, bao tải đất từ chân đê vào làm bờ bao cứu trạm bơm. Trong 20 ngày chạy liên tục, 11 tổ máy đã bơm hơn 50 triệu mét khối nước ra sông Hồng, góp phần giải nguy cho Hà Nội.

Ngại trời không bằng sợ... người
Theo Tiến sỹ Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Trận mưa lịch sử, gây ngập lụt ở Hà Nội đã bộc lộ rõ nét nhược điểm của hệ thống thoát nước thành phố. Đó chính là do quy hoạch manh mún, vụn vặt, không chú trọng đến cốt nền... khiến cho hệ thống thoát nước không được liền mạch và thông suốt". Trước kia Hà Nội có 150 hồ, cho tới năm 1990 vẫn còn 40 chiếc, những năm qua 20 hồ đã tiếp tục "bay hơi" mất; 150ha mặt nước đã bị lấp cho các dự án phân lô bán nền. Quyền lợi của hàng triệu người dân Thủ đô rõ ràng là đã chưa được tính bởi không có một bài toán thoát nước thay thế khi cho lấp mặt hồ làm nhà và như vậy, chỉ cần một cơn mưa to là cuộc sống của hàng triệu người dân có nguy cơ lâm vào thảm cảnh. Bên cạnh đó, có một thực tế là khi xây dựng nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội  hiện nay, người ta chỉ chú ý đến làm con đường nào, đi hướng nào cho thuận tiện chứ không thấy làm hệ thống tiêu, thoát nước. Thông thường, nếu làm đúng quy hoạch thì cùng với khu đô thị, đường giao thông, liền ngay nó phải là hệ thống tiêu, thoát nước, nhưng đáng tiếc là hệ thống tiêu nước liên thông của khu đô thị cũng không được nghiên cứu kỹ lưỡng, nói gì đến "hòa mạng" với quy hoạch tổng thể của cả khu vực và thành phố.

Không ai dám khẳng định trận mưa lịch sử không xảy ra lần nữa, nhất là trong khi La Nina đang bước vào chu kỳ hoạt động mạnh ở khu vực Đông Á. Ngược lại, cũng không ai dám chắc chắn trận mưa đó sẽ xảy ra vào một ngày cụ thể. Do đó, thay vì cứ trông ngóng ông trời, cách tốt nhất ta có thể làm được là chủ động đề phòng, sẵn sàng mọi phương án chống úng ngập mỗi khi có mưa lớn. Đồng thời phải tìm cách kìm hãm bớt đà phá hoại hệ thống hồ, kênh mương, cống tiêu thoát do chính con người gây ra.

Gánh nặng dồn lên vai
Những năm qua, nhằm góp phần giảm thiểu phần việc và thời gian tiếp xúc trực tiếp với nước cống cho những công nhân như anh Nguyễn Xuân Phong, Công ty Thoát nước đã tập trung đổi mới công nghệ và đầu tư thêm nhiều thiết bị mới. Năm 2003, Xí nghiệp Thi công cơ giới thuộc công ty đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng thành công xe tự hành gắn camera kiểm tra các cống thoát nước. Kỹ sư Trần Tâm Độ, hiện đang làm tại Phòng Kỹ thuật Công nghệ của xí nghiệp kể lại, sau khi anh Võ Tiến Hùng (ngày đó là Giám đốc xí nghiệp, giờ là Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước) đưa ra ý tưởng, anh em trong phòng đã mày mò cả ngày lẫn đêm để tìm tòi mô hình, nguyên lý hoạt động và đã lắp ráp thành công chiếc xe tự hành này. Ngày chạy thử thành công ở cống Trần Khát Chân, anh em vui lắm! Khi lắp ráp chiếc xe này, anh em chỉ nghĩ là dùng nó trong công việc của công ty. Nhưng sau này, chiếc xe đã theo anh em chinh chiến nhiều nơi. Sau khi chinh phục những đoạn cống khó trong phố cổ Hà Nội, ở những khu đô thị mới, chiếc xe còn xuống tận Hải Phòng và lên Bắc Giang. "Trong giai đoạn đó, ở Việt Nam chỉ có ít người đang nghiên cứu thử nghiệm, việc đưa chiếc xe vào hoạt động đã phát huy hiệu quả cao" - anh Độ đánh giá - "Nhưng bây giờ đã khác trước, công ty đang định đầu tư mua mới hẳn một rô bốt tương tự của Đức hoặc Mỹ, chỉ hiềm nỗi giá hơi cao".

Vài ba năm trở lại đây, công ty đã tập trung nghiên cứu, đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại trong việc nạo vét bùn, rác thải ở cống, mương và sông thoát nước. Đến giờ, công ty đã có hơn 130 đầu xe cơ giới, gồm khoảng 70 xe hút bùn, xe téc tiếp nhận của dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn I và các loại xe phun rửa phản lực, xe ủi, xe xúc, vận chuyển bùn, cẩu tự hành… Lực lượng cơ giới đã góp phần nạo vét gần 100% lượng bùn trong cống của đường phố thuộc 4 quận nội thành cũ và 30% lượng bùn ở các cống, mương, kênh, sông thoát nước trên toàn thành phố. Công ty cũng đã chế tạo các dây chuyền nạo vét, vận chuyển bùn phù hợp với kích cỡ lớn, nhỏ của từng mương, sông thoát nước.

Ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước cho biết, 10 năm trở lại đây không có một công nhân nào thuộc công ty mắc bệnh hiểm nghèo bởi vì hằng năm 100% cán bộ, công nhân viên được khám sức khỏe định kỳ và được đưa đi chữa bệnh, nghỉ dưỡng kịp thời khi phát hiện ra bệnh. Công ty đã trang bị quần áo và thiết bị bảo hộ lao động ở mức cao nhất cho anh em nhằm hạn chế thời gian tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại. Ngoài việc bảo đảm chế độ độc hại ngoài lương, công ty còn tự chi trả 100% bảo hiểm thân thể cho cán bộ công nhân viên.

Ông Nguyễn Lê khẳng định, để bảo đảm thoát nước nhanh nhất nếu có mưa lớn trong thời gian diễn ra Đại lễ, ngoài việc vận hành mọi việc theo chế độ ứng trực thoát nước mùa mưa 2010, công ty đã chủ động lên kế hoạch và 100% cán bộ công nhân viên đã sẵn sàng làm việc không kể ngày đêm. Một tin vui là cuối tháng 9 này, đơn nguyên số 2 của trạm bơm Yên Sở cũng có công suất 45 mét khối nước mỗi giây sẽ được đưa vào vận hành, nâng công suất bơm nước thoát ra sông Hồng lên 90 mét khối mỗi giây. Từ đầu tháng 9, tất cả các kênh mương đã được duy trì sạch sẽ, bảo đảm dòng chảy thông suốt. 10 trạm bơm ở các hồ nội thành cùng 15 máy bơm di động có công suất từ 150 đến 290 mét khối mỗi giờ cũng đã sẵn sàng 24/24 để kịp thời giải quyết úng ngập cục bộ. Ở các ngõ xóm, nơi những thiết bị cơ giới không vào được, các tổ cống ngầm đang tích cực nạo vét bùn thải theo đơn kiến nghị của chính quyền các phường, quận.

Những ngày này, anh Phong cùng các đồng nghiệp rất ít khi được nhìn thấy mặt trời. Các anh đến xí nghiệp từ sớm, nhận đồ nghề, trang thiết bị bảo hộ là ra ngay hiện trường, ngụp lặn cả ngày dưới cống sâu. - "Cũng chẳng biết Hà Nội dạo này rực rỡ thế nào, làm về mệt quá, ít khi xem ti vi" - mấy anh thợ trẻ tâm sự - nhưng cứ mỗi đoạn cống được làm sạch là lòng các anh bớt lo. Trong dịp Đại lễ, mỗi người dân Thủ đô đều thể hiện tình yêu Hà Nội theo những cách khác nhau. Chuyện những người thợ nạo vét cống ngày đêm âm thầm hết lòng với công việc cho ngày vui trọn vẹn thật cảm động!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngại trời và sợ... người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.