(HNM) - Tiếp nối chuyến công du một loạt quốc gia Đông Nam Á và tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) đầu tháng 8 vừa qua tại Myanmar, hôm nay 30-9, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Su yong tới thăm Nga.
Dù nội dung bàn thảo của lãnh đạo hai bên vẫn trong "vòng bí ẩn", thế nhưng sự kiện Bộ trưởng Ri Su yong chọn Mátxcơva làm điểm đến tiếp theo trong chuyến công du nước ngoài của mình không chỉ minh chứng cho sự xích lại gần nhau trong quan hệ Nga - Triều Tiên mà còn cho thấy quốc gia Đông Bắc Á vốn đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận ngày càng chủ động hơn trong nỗ lực mở cánh cửa ngoại giao hướng ra thế giới.
Nga đang có kế hoạch xây dựng đường ống xuất khẩu khí đốt sang Châu Á qua Triều Tiên. |
Có nhiều nguyên nhân khiến quan hệ Nga - Triều Tiên ngày càng trở nên gần gũi hơn. Trong tiến trình đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, Nga là một đối tác lâu năm. Sự xích lại gần nhau giữa hai nước, khi quan hệ giữa Triều Tiên với quốc gia láng giềng Trung Quốc được đồn đoán là kém "mặn mà" hơn trước, được xem là có lợi cho cả đôi bên. Trong khi nền kinh tế Nga đang phải "gồng mình" trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, Triều Tiên lại gần như bị "cô lập" với thế giới bởi các lệnh cấm vận xuất phát từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, Nga đang tìm cách cân bằng ảnh hưởng trên trường quốc tế, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương khi Mỹ và Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng. Trong đó, việc đẩy mạnh hợp tác với Triều Tiên - quốc gia láng giềng của Trung Quốc nhưng "đối đầu" với Mỹ lại đang sở hữu công nghệ hạt nhân - là một trong những lựa chọn của Mátxcơva.
Để minh chứng cho sự chuyển hướng trong quan hệ với Bình Nhưỡng, tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê chuẩn quyết định xóa tới 90% khoản tiền 10,86 tỷ USD mà Triều Tiên nợ từ thời Liên Xô trước đây. Năm 2012, Duma quốc gia (Hạ viện Nga) cũng đã thông qua thỏa thuận ký kết giữa Nga và Triều Tiên với nội dung xóa phần lớn khoản nợ này cho Bình Nhưỡng. Số nợ còn lại khoảng 1,09 tỷ USD, sẽ được Triều Tiên trả góp 6 tháng/lần trong vòng 20 năm tới. Theo thỏa thuận này, Mátxcơva dự kiến dùng số tiền nợ còn lại mà Bình Nhưỡng phải trả để đầu tư vào các dự án y tế, giáo dục và năng lượng ở Triều Tiên. Ngoài ra, Bộ Tài chính Nga có kế hoạch sử dụng khoản tiền này cho việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt và hệ thống đường sắt đến Hàn Quốc xuyên qua Triều Tiên.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là thỏa thuận mở đường để Nga cung cấp tín dụng cho Bình Nhưỡng, giúp thúc đẩy các dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt, tàu hỏa và điện năng mà Nga đang theo đuổi tại Triều Tiên. Bởi từ lâu Nga đã nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu khí đốt từ Châu Âu sang Châu Á, trong đó bao gồm kế hoạch xây dựng một đường ống xuyên bán đảo Triều Tiên nhằm vận chuyển khoảng 10 tỷ mét khối khí đốt/năm. Trong chuyến thăm Hàn Quốc tháng 11-2013, Tổng thống V.Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Park Geun-hye đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng tuyến đường sắt nối liền Á - Âu và đi xuyên qua Triều Tiên. Được ví như "tuyến đường sắt tơ lụa", dự án là một ưu tiên chính sách lớn về hạ tầng của người đứng đầu nước Nga trong nhiều năm qua. Khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ mở ra một cung đường vận tải thông suốt từ Châu Âu tới bờ biển phía nam Hàn Quốc, với nền tảng là hệ thống đường sắt xuyên Siberia (TSR) của Nga. Việc kết nối tuyến đường sắt này được kỳ vọng sẽ đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở khu vực Đông Bắc Á cũng như thúc đẩy hợp tác phát triển Á - Âu. Thế nhưng, kế hoạch đầy tham vọng trên của Nga muốn thuận buồm xuôi gió thì phải có được mối quan hệ chính trị gần gũi hơn với Triều Tiên. Đây cũng là những lý do khiến Mátxcơva ngày càng quan tâm hơn tới Bình Nhưỡng trong chính sách ngoại giao của mình.
Mặc dù vòng đàm phán sáu bên vẫn chìm trong bế tắc, nền kinh tế Nga vẫn còn gặp khó khăn nhưng chính phủ của Tổng thống V.Putin vẫn quyết tâm đưa kim ngạch thương mại song phương với quốc gia Đông Bắc Á này lên mức 1 tỷ USD vào năm 2020. Điều đó cho thấy Triều Tiên vẫn có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - chính trị của Nga trong bối cảnh Mátxcơva và phương Tây đang ở trong cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.