Hôm qua (11/9), phó Thủ tướng Nga - Dmitry Rogozin đã cho công bố một “siêu mục tiêu” trong đó khẳng định trong tương lai, Nga sẽ cho xây dựng một trụ sở nghiên cứu quy mô lớn ngay trên Mặt trăng.
Mô hình căn cứ trên Mặt trăng do Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA) xây dựng
Theo ông Rogozin, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp vũ trụ của Nga đã vấp phải những khó khăn trong vấn đề tài chính và hàng loạt lỗi kỹ thuật đáng tiếc. Do đó, mục tiêu trên được kỳ vọng sẽ mang lại “uy danh lớn về mặt chính trị” nhằm tái khẳng định vị thế của ngành khoa học vũ trụ Nga trên trường quốc tế.
“Sự cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra giữa các nước trong lĩnh vực vũ trụ do đó chúng tôi cần đề ra một siêu mục tiêu có khả năng thúc đẩy ngành khoa học và công nhiệp, cũng như giúp nước Nga thoát khỏi vũng lầy thất bại, ngăn cản quá trình phát triển trong vòng 20 năm qua”, ông Rogozin chia sẻ trên đài Vesti FM.
Đây chính là lý do Nga đã lập kế hoạch xây một căn cứ nghiên cứu quy mô lớn trên Mặt trăng - một bước tiến lớn của ngành khoa học vũ trụ Nga trong tương lai.
Mục tiêu đổi mới hướng tới Mặt trăng của Nga đã phần nào phản ánh tham vọng tái cân bằng tiềm lực khoa học vũ trụ trên trường quốc tế sau khi nước này trải qua hàng loạt sự cố kỹ thuật và đương đầu với sự cạnh tranh từ nhiều quốc gia khác đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia cũng đang dồn mọi sự tập trung đầu tư cả về khoa học và kỹ thuật nhằm thực hiện những cuộc chinh phục Mặt trăng quy mô lớn.
Trong đó, Bắc Kinh đã lên kế hoạch đưa một con tàu thám hiểm đặt chân lên Mặt trăng trong vòng 3 năm tới.
Ngoài ra, việc phát hiện nguồn nước và nhiều loại khoáng chất có thể khai thác được là nguyên nhân khiến các siêu cường quốc vũ trụ theo đuổi những tham vọng chinh phục và giành vị thế ưu tiên.
Mặc dù, Liên Xô cũ là quốc gia đầu tiên phóng vệ tinh và đưa phi hành gia lên vũ trụ, song vinh quang đó giờ chỉ là kỷ niệm xa xưa. Việc ngân sách đầu tư bị cắt giảm và chảy máu chất xám đang khiến Mát-xcơ-va thiếu đi những dự án nghiên cứu vũ trụ chuyên sâu và hàng loạt sự cố đáng tiếc xảy đến với những sứ mệnh chinh phục vũ trụ.
Điển hình như năm 2011, Nga đã thất bại trong sứ mệnh đưa các mẫu vật được thu thập từ mặt trăng Phobos trên sao Hỏa về Trái đất. Vào tháng 8 vừa qua, lỗi kỹ thuật trong hệ thống tên lửa Proton cũng đã khiến hàng triệu đô la đầu tư vào 2 vệ tinh Telkom-3 của Indonesia và Express-MD2 của Nga phút chốc tan thành mây khói.
Trước đây, Cơ quan vũ trụ của Nga – Roskosmos cũng từng đưa ra ý tưởng xây dựng một căn cứ trên Mặt trăng dưới sự hợp tác với Mỹ và châu Âu, cũng như thiết lập một trạm vũ trụ quay quanh Mặt trăng.
Các phi hành gia và giới khoa học Nga cho rằng con người có thể định cư trên Mặt trăng bởi họ tin rằng những núi lửa xa xưa trên hành tinh này đã hình thành một mạng lưới hang động nằm sâu dưới bề mặt Mặt trăng – khu vực con người có thể sinh sống.
“Sao Hỏa quá xa và đòi hỏi chi phi cao. Chúng tôi sẽ bắt đầu mục tiêu của mình từ Mặt trăng. Đây được xem là một mục tiêu mang tính thực tế cao”, chuyên gia công nghiệp vũ trụ - Igor Lissov cho biết.
Còn theo ông Rogozin, dự án xây dựng căn cứ trên Mặt trăng sẽ là tiền đề để Nga hiện thực hóa những dự án nghiên cứu vũ trụ chiều sâu trong tương lai.
Vào hôm thứ Hai (10/9), ông Vladimir Popovkin – tổng giám đốc Roskosmos cho biết Nga sẽ thu hồi loại tên lửa đã dẫn tới sự thất bại trong lần phóng 2 vệ tinh của Nga và Indonesia vào tháng 8 vừa qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.