(HNM) - Là cường quốc xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), thời gian gần đây, Nga đã có bước tiến đáng kể vào một trong những thị trường truyền thống của Mỹ là khu vực Mỹ Latin.
Trong tháng 9-2011, Bộ Quốc phòng Peru đã nhận được lô máy bay trực thăng Mi-171SH đợt 2, đó là một phần của hợp đồng mua bán đã ký kết trong năm 2010 với công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronex của Nga. Nga đồng thời cũng nhận được hợp đồng bảo trì và sửa chữa lớn của Bộ Quốc phòng nước này. Quân đội Peru từ lâu đã quen thuộc với trực thăng Nga và là quốc gia đầu tiên đặt mối quan hệ hợp tác quân sự với Nga tại châu Mỹ Latin. Ngay từ năm 1969 Liên Xô đã cho vận chuyển xe tăng, máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng và các thiết bị công nghệ cao khác sang Peru. Nước này đã trở thành một đối tác có sự ưu tiên đặc biệt của Liên Xô. Trong vài năm gần đây, kim ngạch thương mại trong việc hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Mỹ và Peru lên đến 130 triệu USD.
Tập đoàn Rosoboronexport mở rộng các chiến dịch quảng bá hình ảnh tại châu Mỹ Latin. |
Nga đã thực hiện nhiều chiến dịch quảng bá lớn tại khu vực được coi là sân sau của Mỹ. Theo các chuyên gia phân tích, Nga coi châu Mỹ Latin là thị trường quan trọng và tiềm năng; đồng thời đóng vai trò quyết định đối với ngành công nghiệp quốc phòng trong tương lai. Do đó, nước này đã đẩy mạnh quảng bá tính đa dụng của vũ khí, khí tài quân sự và khả năng áp dụng chúng trong thời bình. Và cũng chính điều này làm cho các quốc gia Mỹ Latin có sự quan tâm đặc biệt với các loại vũ khí của Nga. Do đặc thù địa lý và nhu cầu vũ khí, trang bị cho cuộc chiến chống khủng bố cùng những kẻ buôn lậu ma túy, Nam Mỹ là thị trường lớn đối với các nhà chế tạo máy bay trực thăng Nga do khả năng hoạt động trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trang bị vũ khí mạnh và dễ dàng nâng cấp. Trực thăng quân sự của Nga đã tham gia vào những chiến dịch cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai ở Peru, lũ lụt ở Mexico, động đất ở Haiti, chống buôn lậu ở Guatemala. Uruguay đã mua nhiều xe bọc thép Tiger vì sự cơ động và khả năng tham gia vào các chiến dịch đặc biệt.
Hiện nay, Tập đoàn Rosoboronexport đề nghị một chương trình hợp tác lớn trên lĩnh vực hiện đại hóa và thương mại toàn diện như: hệ thống phòng không, radar, hải quân, vũ khí chống tăng, xe thiết giáp, súng và đạn dược, huấn luyện, đào tạo công nghệ… Bên cạnh các hợp đồng mua bán vũ khí, Rosoboronexport còn giành được các thương vụ đi kèm như: bảo dưỡng, sửa chữa, bán phụ tùng thay thế, nâng cấp, gia cố giáp bảo vệ, chuyển giao công nghệ. Rosoboronexport đang xây dựng trung tâm sửa chữa dành cho máy bay trực thăng tại Mexico và căn cứ đào tạo, sửa chữa tại Venezuela. Những trung tâm tương tự cũng đang lần lượt mọc lên tại Columbia, Peru, Argentina, Brazil và nhiều quốc gia châu Mỹ Latin khác.
"Thị trường vũ khí tại Mỹ Latin đầy triển vọng và có thể mở rộng. Brazil giữ vị trí dẫn đầu trong số các đối tác tiềm năng của chúng tôi về việc mua vũ khí hạng nặng và trang thiết bị quân sự của Nga", Sergei Goreslavsky, Giám đốc marketing của Tập đoàn Công nghệ Nga, cho biết. Theo ông S.Goreslavsky, chiến tranh hiện đại như những sự kiện gần đây tại Bắc Phi được thực hiện chủ yếu từ trên không. Đó là lý do vì sao việc mua các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga trở thành điều cân nhắc quan trọng với các nước mua vũ khí. Để cạnh tranh với Mỹ, Nga đã mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí, ước tính tới 80 nước trên thế giới và đóng góp vào ngân sách mỗi năm khoảng 9-10 tỷ USD (chiếm 13-17% thị trường mua bán vũ khí trên thế giới). Năm 2010 cường quốc này đã bán 8,5 tỷ USD vũ khí và sẽ tăng giá trị các thỏa thuận vũ khí lên mức 10 tỷ USD trong năm 2011.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.