Thì vấn đề của cầu thủ nội và ngoại sẽ lộ diện rõ hơn. Chúng ta phải công nhận một điều, sự khác biệt lớn nhất giữa quân ta và ngoại binh đấy là tầm vóc và thể lực. Nói dân dã là thấp bé nhẹ cân hơn Tây, nên chỉ đáp ứng được trong 45 phút đầu.
Endene (phải) dù mắc tội “tày đình” ở N.SG nhưng vẫn được miễn xá vì thành tích. |
Bóng đá không phải như đánh lộn, khi một chú nhóc nếu “có võ” vẫn có thể hạ gục đối thủ to con trong một phút xuất thần. Cầu thủ trình độ cao nhưng quá thấp bé nhẹ cân thì khó phát triển đầy đủ, bởi bóng đá là môn đối kháng, thực sự là cuộc tra tấn thể lực, tinh thần trong suốt trận đấu.
Có tài liệu nghiên cứu thế này: 90 phút, các cầu thủ chạy tổng số khoảng 10-11 km ở tốc độ bình thường và chạy nước rút khoảng 800-1200m, tăng tốc 40-60 lần và đổi hướng khoảng 5 giây 1 lần. Sự thay đổi liên tục tốc độ nhanh chậm trong trận đấu khiến họ dễ dàng làm cạn kiệt năng lượng, đặc biệt nguồn glycogen dự trữ cho cơ chân. Ví dụ, chỉ trong 6 giây chạy hết sức có thể làm giảm lượng glycogen dự trữ 15%, và chỉ 30 giây chạy nhanh có thể giảm lượng glycogen tập trung 30%. Cầu thủ bóng đá đôi khi dùng hết khoảng 90% nguồn glycogen của cơ trong một trận đấu, quá đủ để khiến mệt mỏi và giảm tốc độ chạy... |
Nhiều người bảo cầu thủ VN không chuyên nghiệp trong sinh hoạt nên yếu hơn Tây. Nói thế hơi oan, bởi ngoại binh ăn chơi, phá sức còn bạt mạng hơn quân ta. Có điều, sự phục hồi của họ nhanh do sự đặc biệt của cơ địa cũng như thể trạng tốt hơn. Một đêm ăn chơi nhưng hôm sau vẫn chạy ầm ầm, còn cầu thủ VN nếu như thế thì khó mà có thể thanh thoát nổi đôi chân.
Kể cả khi sinh hoạt nghiêm túc thì đa số nội binh vẫn không thể giành phần thắng nếu đua sức, tốc độ, sức bền, tranh chấp bóng tay đôi với ngoại binh.
Có lẽ, đấy cũng là lý giải hợp lý nhất vì sao trong cuộc đua Vua phá lưới, quân ta không có cửa cạnh tranh với ngoại binh, kể cả tiền đạo xuất sắc nhất như Lê Công Vinh. Quang Hải mùa giải 2010 là Vua phá lưới nội với 13 bàn, đôi chân lẫn cái đầu khá ổn, nhưng vẫn xếp sau hàng loạt tiền đạo ngoại, trong đó có “bò mộng” Timothy, người được biết chỉ có mỗi ưu điểm nổi trội là chạy khỏe, sút mạnh.
Cầu thủ VN, kể cả tầm ĐTQG, chỉ đủ sức chơi tốt trong 45 phút đầu, sau đó đôi chân không còn theo cái đầu nữa do xuống sức. Trong khi, ngoại binh đa số đều có thể duy trì được sức lực đến 90 phút, sút quả bóng vẫn có lực. Thế nên, dù tự hào khi cầu thủ Việt nhanh nhẹn, kỹ thuật, nhưng sự lép vế về tầm vóc, thể lực, đã cản trở bao hoài bão.
Có thể thấy rất rõ điều này, khi nhìn vào đội hình đầy những “chú lùn” ở ĐTQG. Chính HLV Calisto cũng từng than thở cầu thủ chúng ta nhỏ con quá. Quang Hải, Tấn Tài, Thành Lương cao dưới 1,7m. Còn Minh Đức, Minh Phương, Minh Châu, Việt Cường, Văn Phong, Thanh Trung, Thanh Hưng hình thể đều khiêm tốn. Sẽ khiên cưỡng nếu chúng ta so sánh họ với những siêu sao như Xavi, Iniesta, Pedro để mơ sẽ xây dựng lối chơi như Tây Ban Nha, đội bóng mà ở đó những ngôi sao nêu trên có thể chạy 90 phút không biết mệt.
Tất nhiên, trách nhiệm về vấn đề tầm vóc, thể lực cầu thủ không thể đổ lên đầu những đấng sinh thành hay VFF, bởi nó thuộc về lịch sử.
Cách đây 50 năm, người Nhật cũng thấp bé như chúng ta bây giờ, vì thế mà từng có thời họ bị gọi xách mé là “giặc lùn”. Nhưng sau này, do kinh tế phát triển vượt bậc, Nhật Bản có điều kiện chăm sóc sức khoẻ tốt hơn cho người dân cho nên chiều cao và cân nặng trung bình của người Nhật mới tăng dần lên. Có thể thấy rất rõ sự thay đổi khi nhìn vào tầm vóc các cầu thủ Nhật Bản hiện tại.
BĐVN sẽ còn khó khăn (không chỉ bị ngoại binh lấn lướt ở các giải nội địa), một khi vẫn không cải thiện được tầm vóc và thể lực, trước hết so với các đội trong khu vực Đông Nam Á.
* Cho đến thời điểm này, sau 10 mùa giải V-League, chân sút ngoại đang tạm dẫn đầu danh sách ghi bàn là cầu thủ người Brazil đang thi đấu cho ĐT.LA, Antonio Carlos, với 70 bàn thắng. Những chân sút ngoại đứng sau Antonio (kể cả đã giải nghệ) là Almeida, Huỳnh Kesley (62 bàn), De Jesus (60 bàn), Amaobi (53 bàn), Philani (46 bàn), Tshamala, Achilefu (cùng 40 bàn), Kiatisuk (38 bàn), Gaston Merlo (34 bàn), Leandro (30 bàn), Evaldo (27 bàn), Samson (26 bàn), Timothy (25 bàn). Lê Công Vinh là cầu thủ nội duy nhất có tên trong danh sách “khủng” với 64 bàn thắng ghi được. Nguyễn Quang Hải cũng có 36 bàn, Minh Phương (32 bàn), Việt Thắng (28 bàn). Đấy là con số biết nói về giá trị của ngoại binh. * Tầm vóc và thể lực của người VN nói chung không ổn so với chuẩn quốc tế. Chiều cao nam thanh niên hiện nay chỉ đạt ở mức 163cm (thấp hơn khoảng 13cm so với chuẩn) cân nặng 53 kg, chạy tuỳ sức 5 phút đạt 940m; và chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153cm, chạy tuỳ sức 5 phút đạt 722m . Nếu so sánh các chỉ số này với các nước khu vực châu Á, nam thanh niên Việt Nam kém thanh niên Nhật 8cm, Thái Lan 6cm; nữ Việt Nam kém nữ thanh niên Nhật 4cm, Thái Lan 2cm. Điều đáng chú ý, là thanh niên Việt Nam không chỉ thấp, nhẹ cân, mà còn yếu cả về sức mạnh cơ bắp, độ dẻo dai và sức bền kém do thiếu vận động. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.