(HNM) - Hiện nay, dư luận đang quan tâm nhiều đến việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất các biện pháp giảm ùn tắc giao thông như cấm xe mô tô, ô tô con đi vào trung tâm thành phố, thay đổi giờ làm việc của các cơ quan trung ương và Hà Nội; thay đổi giờ học ở một số trường.
Theo tôi, cần được các nhà khoa học nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng rồi hãy đưa ra quyết định, không nên vội vã rồi lại phải sửa sai thì rất khó. Cuộc sống của người dân đang ổn định, nạn ùn tắc xe là điều khó tránh, nay thay đổi giờ học, giờ làm việc sẽ ảnh hưởng và xáo trộn đời sống xã hội. Tôi xin đề xuất một giải pháp, nếu được thực hiện thì sẽ giảm ùn tắc khoảng từ 20% đến 25%.
Tôi xin đóng góp 6 ý kiến như sau:
1. Chưa phải thay đổi giờ học của một số trường mà chỉ cần điều tiết giờ tan học của các trường. Ví dụ giờ tan trường là 11h30 hay 16h30, Hiệu trưởng trường đó sẽ phân bổ các lớp học ra cách nhau độ 5 phút 1 lần. Số học sinh khi tan sẽ rải đều ra. Các phường và khu phố có trường học nên cử cảnh sát khu vực, dân phòng chỉ dẫn và dành một khoảng đỗ xe cách trường từ 100m để cho gia đình chờ đón con. Làm được như vậy sẽ bảo đảm đỡ ùn tắc xe ở cổng trường.
2. Trong giờ cao điểm từ 6h30 đến 8h sáng, chiều từ 16h đến 18h nên cấm xe taxi hoạt động trong một số phố chính (vì giờ này không phải là học sinh hay cán bộ dùng xe để đi, việc tạm cấm có thể làm ngay, không ảnh hưởng gì nhiều tới đời sống xã hội).
3. Xe ô tô buýt vẫn hoạt động bình thường nên thay loại xe quá to bằng loại xe nhỏ, để đỡ gây ùn tắc trong các phố nhỏ (nên nâng cấp các loại xe buýt nhỏ đạt tiêu chuẩn chở khách để nhiều người đi xe). Nhà nước và thành phố có thể đầu tư làm ngay thì sẽ giảm ùn tắc nhiều.
4. Việc triển khai các cầu vượt cho ô tô con nên làm sớm là rất tốt, việc phân luồng riêng cho xe máy và ô tô nên tiếp tục làm sẽ có hiệu quả.
Tất cả những kiến nghị, đề xuất này nên cùng làm một lúc thì sẽ có hiệu quả dây chuyền để giải bài toán ùn tắc giao thông.
5. Việc đỗ ô tô ở Hà Nội hiện nay rất tùy tiện, kể cả một số cơ quan cấp phép chưa hợp lý, dễ gây tiêu cực (ví dụ các phố Tôn Đản, Đường Thành, Thi Sách, Tuệ Tĩnh, Lý Thường Kiệt… xe đỗ cả hai chiều, kể cả đỗ trên vỉa hè). Ai đi qua cũng thấy bừa bãi. Tại sao các điểm đỗ trên vẫn tồn tại, gây ùn tắc mà không một cơ quan chức năng nào giải quyết? Theo tôi, việc cho đỗ xe nên làm như ở nhiều nước trên thế giới (trừ các phố chật hẹp và phố cổ), đường một chiều nên cho xe đỗ bên tay phải và có vạch đỗ xe rõ ràng. Trên các phố đường hai chiều, Sở Giao thông vận tải nên cấp phép cho đỗ từng đoạn cách nhau để khỏi ùn tắc khi có xe đi qua (cấm cho phép đỗ xe hai chiều song song nhau). Việc đỗ xe như vậy là tạm thời cũng có thể coi là giải pháp tình thế, sau này khi có hạ tầng thì xe sẽ đỗ vào nơi quy định. Một số vỉa hè rộng ở các phố nên cho khoét các khoảng trống (khoảng 1m đến 1,5m) để giải quyết cho một số xe buýt hay xe bị nạn đỗ). Đây cũng là giải pháp tạm thời.
6. Việc ùn tắc xe ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh là không thể tránh khỏi bởi người tham gia giao thông còn thiếu ý thức, xe đi lộn xộn, không theo hàng. Do vậy, giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều cần có lực lượng cảnh sát giao thông cắm ở các chốt chính trong thành phố để hướng dẫn phân luồng. Khi các khu vực bị ùn tắc cần có cảnh sát giao thông chặn ở các đoạn giữa và cuối để điều tiết giao thông. Làm được như vậy sẽ giảm được ùn tắc rất nhiều (nếu có điều kiện nên để dân phòng tham gia trong giờ cao điểm). Cảnh sát giao thông lúc này nên làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng, không nên phạt, dễ gây thêm ùn tắc. (Đề nghị Bộ, Sở Giao thông vận tải và Công an Hà Nội làm thí điểm thì sẽ thấy hiệu quả ngay).
Thiết nghĩ, những người trực tiếp làm nhiệm vụ giải quyết ùn tắc giao thông trong thời điểm hiện nay cũng cần phải có biện pháp khuyến khích thỏa đáng như trả thêm lương ngoài giờ và khen thưởng kịp thời.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp nhỏ của cá nhân tôi, mong góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.