(HNM) - Ngày 8-6, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an TP Hà Nội) cho biết đã phá một vụ sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn.
Từ phát hiện ban đầu khi bắt hai đối tượng đang vận chuyển hơn 100 lọ thực phẩm chức năng sữa ong chúa- nhãn hiệu Costar và 50 lọ thực phẩm chức năng nhau thai cừu Placentra giả, mở rộng điều tra, cơ quan chức năng thu được khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng nghi giả, kém chất lượng, có thành phần không như doanh nghiệp công bố (gồm nhiều nhãn hàng) và nhiều tang vật liên quan như: Tem, nhãn mác, nguyên liệu… Đối tượng chủ mưu thừa nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, với các thủ đoạn tương đối "chặt chẽ" là: Thành lập công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm, thậm chí công bố chất lượng sản phẩm tại… Cục An toàn thực phẩm; sau đó, thuê gia công sản phẩm tại một cơ sở khác, đặt in tem nhãn và đóng thành phẩm để tiêu thụ.
Chỉ một ngày sau, 3 cơ sở tại Hà Nội cũng bị nghi "biến" bao cao su, que thử thai, băng dán vết thương, miếng dán hạ sốt thành hàng có xuất xứ Mỹ, Hàn Quốc, Châu Âu. Cụ thể, tại một công ty cổ phần ở quận Cầu Giấy, lực lượng quản lý thị trường đã thu được 55.200 bao cao su và hơn 5.500 hộp test thử thai không có giấy phép lưu hành. Kiểm tra một công ty dược phẩm ở Thanh Oai, cơ quan chức năng đã thu 100.000 miếng dán vết thương và 1.200 vỏ bao bì. Toàn bộ số hàng trên được xác định có nguồn gốc Trung Quốc nhưng đã được "phù phép" xuất xứ, bao bì, nơi sản xuất thành hàng Mỹ, Hàn Quốc... Trong khi đó, một cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế tại Cầu Giấy đã bị tạm giữ hơn 10.000 hộp cao dán hạ sốt giả mạo địa chỉ sản xuất. Đáng chú ý, phần lớn sản phẩm sẽ được đưa về tiêu thụ ở… khu vực nông thôn.
Cùng với thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh, sản phẩm y tế giả, kém chất lượng gây hậu quả trực tiếp, nhanh chóng lên sức khỏe người sử dụng. Trong vụ việc thứ nhất, điều đáng nói là lâu nay thực phẩm chức năng vẫn được tuyên truyền (thông qua nhiều hình thức quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng) và… loan truyền (bảo nhau, trên các diễn đàn xã hội…) với những tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Thế nhưng, việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, chất lượng thực phẩm chức năng vẫn chưa thực sự hiệu quả, còn những mặt trái ít được đề cập. Đặc biệt, một vài năm gần đây, thực phẩm chức năng được nhiều người ưa chuộng. Nếu như khối lượng lớn thực phẩm chức năng giả nêu trên được "tung" ra thị trường, sẽ có hàng trăm nghìn khách hàng bị ảnh hưởng và thiệt hại tài chính là rõ ràng khi mua phải hàng giả. Trong khi đó, với các lô hàng cao dán hạ sốt giả mạo, điểm đáng chú ý là những "sản phẩm" này sẽ được đưa về tiêu thụ ở khu vực nông thôn, tức là những kẻ phạm tội lợi dụng người tiêu dùng ở đây thiếu thông tin để lừa đảo, trục lợi.
Vấn nạn hàng nhái, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng - bao gồm cả sản phẩm y tế - hoành hành đã nhiều năm nay. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng thực trạng này vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Điều hết sức đang lo ngại ở chỗ sản phẩm y tế là loại hàng hóa đặc thù, liên quan trực tiếp tới sức khỏe, thậm chí sinh mạng người sử dụng. Trong khi công tác quản lý chưa mang lại hiệu quả (và thực tế sẽ không bao giờ triệt tiêu được hoàn toàn hàng nhái, hàng giả) thì chính người tiêu dùng cần tự trang bị thông tin, đặc biệt là phải thận trọng, trước khi mua bất cứ sản phẩm y tế nào. Nếu không, cái họa vào thân là nhãn tiền. Mặt khác, ở góc độ quản lý, đã đến lúc cần điều chỉnh chế tài đối với hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm y tế theo hướng tăng nặng và thực hiện nghiêm khắc do những hệ lụy nghiêm trọng có thể xảy đến với sức khỏe con người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.