Người đọc dù khó tính đến đâu, cũng phải công nhận: Trong Giấc mơ hình chiếc thớt, Trần Quang Quý có một vài bài thơ đáng chú ý. Đó là Cát, Những phụ nữ quê vào thành phố, Mùa đông, Giấc mơ hình chiếc thớt. Tuy nhiên, Giấc mơ hình chiếc thớt không trọn vẹn bằng mấy bài thơ đã kể tên trên, vì rất có vấn đề về mặt thẩm mỹ. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở cuối bài viết này.
Đây là bốn câu thơ nâng được thân phận của cát, gắn cát với thân phận người:
Dạt dào biển. Nhấn cơn mơ sa mạc
Không hộ khẩu
Không biên giới
Cát cùng ta trộn lẫn thành đời.
Đây nữa là bốn câu thơ nữa có sức gợi mở, có ý, có không khí, dễ gây ấn tượng:
Có con đường
Chỉ một người cũng đủ làm náo động
Có con đường
Cả dòng người đi vẫn chỉ một dòng suông.
Có thể coi đây là một vài con sóng lẻ, một vài gợn sóng lẻ trong dòng nước chảy của Giấc mơ hình chiếc thớt. Công bằng mà nói: Nó có chảy thật nhưng sức chảy lại yếu ớt, không đủ tạo thành sông để đi tới biển được. Mà nếu nó có chảy thành sông thì cũng là bình thường, không gây ngạc nhiên nào cả. Bởi vì thuộc tính muôn đời của sông là không ngừng chảy và cái đích của sông là chết khi hòa vào biển.
Dòng nước ấy chảy khá miên man với những Trật tự, Thập phân, Cám dỗ, Nhớ nguồn, Bí mật nụ hôn, Phố thu, Với sông Đà... Thỉnh thoảng, nó ách tắc bởi : Cuộc sống ở trong nhau, cuộc sống hình hài nhau, cuộc sống tiếp tục nhau (Dấu ấn), Những chiếc lá giận chờ khèn môi chưa ngân thành lời tình/ Vàng rụng bởi mong (Giai điệu của nhớ), Nhọc nhằn mùa/ Mênh mang bí ẩn cánh rừng vô thức (Bài hát cho mình), ùa lên ta ngôn ngữ xếp hàng như cuộc duyệt binh tiềm thức (Cõi lạ), Sự kiêu hãnh sau bao mùa thiên chức( Lá đổ), Sông nằm nghe men chảy sóng sánh cổ đại (Với sông Đà)...Đôi khi, nó như gồng mình lên với tia nước "lẻ" (lẻ trời, lẻ thời gian, lẻ bóng, lẻ gối, lẻ rượu, lẻ tôi) mà người ta vẫn không thấy cô đơn, với"hổn hển"(hổn hển hoa văn, hổn hển cánh đồng, hổn hển bầu ngực) mà người ta vẫn không thấy dấu hiệu của sự sống cho dù chỉ ở mức phồn thực.
Dòng nước ấy khởi phát từ đâu? có nguồn cội từ đâu? Phải chăng là từ trung du: Nơi núi không dụ được lên, biển không thể nhấn chìm? Phải chăng là từ sự đói khổ đeo đẳng:
Tôi ngược về thương cũ áo tơi
Chum vại tháng ba nằm rỗng?
Phải chăng là từ mặc cảm của một kẻ luôn bị giẫm đạp, dày xéo bởiNhững chiếc thớt bủa vây?
Trong quá trình chảy vất vả ấy, dòng nước ấy tự rút ra điều gì? Rất cũ, chỉ tỏ ra khác ở cách diễn đạt, hình thức: ánh sáng không sao soi được chính bóng cây đèn (Cây đèn đường), Trong cuộc nhậu một cái đều có thể xảy ra (Trong cuộc nhậu), Con đường khó khăn - con đường vượt chính mình( Những con đường)...
Nhìn chung, trong Giấc mơ hình chiếc thớt, thơ Trần Quang Quý có chất dẫn dụ nhưng vẫn đơn giản chỉ là dẫn dụ, bề mặt thường lấn át bề sâu, không đẩy được ý tứ lên một tầng nấc mới, còn nhiều lời ít ý, điều điệu, sao sáo và đôi khi to tiếng không cần thiết. Một khi thi pháp không mới, ý tứ không mới (và không có gì đáng gọi là độc đáo nữa), thì làm sao có thể gọi là"tư duy hiện đại","góp cho dòng chảy của thơ hiện đại ta thêm đầy, thêm mạnh" được? Tôi buộc phải trích dẫn mười bảy từ"quý giá" này của Nguyễn Trọng Tạo trong lời mở đầu tập thơ Giấc mơ hình chiếc thớt để nhấn mạnh cái chủ quan đến bất chấp văn bản, bất chấp chứng cớ khi kết luận vội vàng giá trị một cuốn sách của một nhà thơđại ngôn trong khi thủ vai nhà phê bình bất đắc dĩ.
Trở lại với bài Giấc mơ hình chiếc thớt (cũng là tên gọi của tập thơ, cũng có thể coi là bài "đinh", bài"chốt" của tập thơ), chúng ta bắt gặp một Trần Quang Quý nhai lại những câu thơ dân gian một cách ngon lành. Cây rơm mơ ngoạm những đàn bò chắc chắn được rút ra từ một cách nói ngược có từ xa xưa: Nắm xôi nuốt trẻ lên mười hoặc Một đàn cào cào đuổi lũcá rô. Còn câu Những chú chuột mơ gặm sống bầy mèo...cũng vậy. Chưa kể là câu này làm ta nhớ dến lời nguyền rủa đanh đá, chua chát và có phần sâu cay thuộc loại cao tay của loài chuột đối với loài mèo qua mấy câu thơ cổ dưới đây:
Chú mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo!
Cao hơn lời nguyền rủa là một câu chửi: Giỗ cha chú mèo!
Suy cho cùng, về mặt ngoại hình, Giấc mơ hình chiếc thớt là một kiểu tư duy đơn giản. Nó dễ làm cho người ta liên hệ đến mặt thớt hoặc trơ trơ mặt thớt - những từ ngữ không đẹp, chỉ được sử dụng khi mạt sát, hạ nhục nhau. Chưa kể là cái giấc mơ của những con cá nằm trên thớt hoặc của"những trái tim yếm thế" sẽ chẳng đi đến đâu. Cũng cần phải giải thích thêm hai từ: Yếm thế. Theo từ điển tiếng Việt, kể cả Từ điển Hán - Việt, thì yếm thế có nghĩa là chán đời. Nếu những trái tim chán đời mà cất lên thì cũng phiền phức và não lòng lắm đấy. Thêm nữa, cócảm giác như trong khi dân gian nói ngược để mà chơi, còn Trần Quang Quý lại học cách nói ngược của dân gian để làm thật. Nên nhớ: Thật và chơi rất cách xa nhau, khác nhau nhiều nhiều lắm.
Cuối cùng, cũng vì cực chẳng đã mà chúng tôi đành phải đính chính hộ Trần Quang Quý (hoặc hộ NXB Hội Nhà văn) từ chót trong Như chót thả cái nhìn vào mắt em thẳm (Khúc dạo Katxpien). ở đây là trót (nhỡ hoặc lỡ làm một việc gì đấy) không phải là chót (sau cùng, sau cuối). Đây là một lỗi chính tả rất không đáng có. Rất tiếc, không chỉ Trần Quang Quý, mà nhiều nhà thơ ở ta hay mắc phải lỗi rất không đáng mắc này.
Lam Điền
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.