Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nêu cao tinh thần ''phòng hơn chữa'' để giảm thiệt hại do cháy nổ

Chu Dũng| 16/05/2023 06:02

(HNMO) - Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân các vụ cháy liên tiếp xảy ra trong ngày 12 và 13-5 vừa qua tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (Hải Phòng) làm 3 người tử vong; tại phường Quang Trung, quận Hà Đông (Hà Nội) làm 4 người trong cùng một gia đình tử vong, nhưng hiện trường cho thấy đều xảy ra tại nơi người dân còn lơ là, chưa chú trọng lối thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Quá trình sử dụng điện sinh hoạt còn nhiều sơ hở...

Hình ảnh ban đầu trong vụ cháy vào sáng 13-5 tại quận Hà Đông, Hà Nội.

Vụ việc xảy ra một lần nữa cho thấy nguy cơ cháy, nổ do liên quan đến hệ thống điện gây ra luôn tiềm ẩn, bất cứ tổ chức, cá nhân, gia đình nào cũng không được xem nhẹ.

Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 522 vụ cháy, làm chết, bị thương 46 người. Thực trạng này tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp bách về phòng, chống cháy nổ đối với mọi người dân, gia đình, cơ quan, doanh nghiệp.

Tại hội nghị tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quản lý, sử dụng điện trên địa bàn thành phố trong tình hình mới diễn ra cuối tháng 4-2023, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ năm 2018 đến giữa tháng 3-2023, số vụ cháy, nổ liên quan đến hệ thống điện chiếm 76,4% tổng số vụ cháy toàn thành phố, làm 34 người chết, 62 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 180 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) và các phòng nghiệp vụ thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) liên tục phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình các vụ cháy, nổ có nguyên nhân do điện. Từ đó, tuyên truyền, khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với các hộ gia đình, người đứng đầu các cơ sở, doanh nghiệp trong việc sử dụng điện để sinh hoạt hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Khuyến cáo về sử dụng thiết bị điện.

Những thói quen sử dụng điện chưa đúng cách cần loại bỏ.

Trên các website chính thức của Bộ Công an, Công an thành phố Hà Nội liên tục đưa ra những cảnh báo và hướng dẫn người dân cách thoát nạn khi xảy ra sự cố cháy, chập điện, đặc biệt là đối với những ngôi nhà dạng hình ống có kết cấu như nơi từng xảy ra những vụ việc thương tâm vừa qua.

Theo dự báo, Hà Nội chuẩn bị bước vào 2 đợt nắng nóng kéo trong tháng 5-2023, nên việc phòng cháy, chữa cháy càng được tăng cường, chú trọng.

Theo khuyến cáo của cơ quan công an, để thoát nạn an toàn khi xảy ra hỏa hoạn, trước hết phải xác định được lối ra an toàn của căn nhà đang cháy.

Thông thường, các lối thoát đến nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như: Thang, thang cây, dây tự cứu hạ chậm…

Khi phát hiện ra đám cháy, mọi người cần chú ý: Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.

Cách thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để leo xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.

Có thể di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận; di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.

Đối với các nhà, công trình có lồng sắt bao bọc phía ngoài nhà, có thể thoát qua ô cửa trên các lồng sắt đó để sang các công trình liền kề. Nếu trên các lồng sắt đó không có sẵn các cửa thoát hiểm, hãy bình tĩnh tìm kiếm các vật dụng như búa, rìu hoặc các vật dụng khác nhằm bẻ gãy hoặc banh rộng các ô trên lồng sắt để mọi người có thể chui qua và sang công trình liền kề hoặc xuống nơi an toàn với sự hỗ trợ của những người xung quanh.

Cần tạo ngay lối thoát hiểm cho "chuồng cọp".

Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không chạy vào nhà vệ sinh để trốn tránh, bởi rất dễ bị ngạt khói và lửa thiêu khi đám cháy lan ra toàn bộ căn hộ. Trong một số tình huống cấp thiết, để ngăn đám cháy từ các tầng dưới lan lên tầng trên, mọi người có thể xả nước từ nhà tắm để nước tràn ra sàn nhà và chảy xuống các tầng dưới, khi đó có thể ngăn đám cháy lan lên các tầng trên.

Tuy nhiên, khi xả nước trong căn hộ cần lưu ý phải cắt cầu dao tổng để tránh bị điện giật do nước tràn làm chập các thiết bị điện.

Trong tất cả trường hợp, người dân khi phát hiện cháy phải nhanh chóng gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số 114 để kịp thời đến cứu nạn và dập tắt đám cháy.

Đặc biệt, Bộ Công an lưu ý, các hộ gia đình cần nêu cao tinh thần "phòng hơn chữa" chuẩn bị đầy đủ bình chữa cháy tại nhà và không nên làm lồng sắt bịt kín các lối như ban công và cửa sổ. Mỗi hộ gia đình nên trang bị bình chữa cháy xách tay để ở trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy; hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo các thiết bị chữa cháy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nêu cao tinh thần ''phòng hơn chữa'' để giảm thiệt hại do cháy nổ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.