(HNM) - Cứ đến ngày thứ hai của tuần thứ hai trong tháng một hằng năm lễ trưởng thành dành riêng cho các cô cậu bước sang tuổi 20 lại được tổ chức long trọng. Đây là một trong những quốc lễ ở xứ hoa Anh Đào, đánh dấu sự trưởng thành của mỗi người khi họ được quyền tham gia bỏ phiếu, hút thuốc, uống rượu… và kết hôn mà không cần có sự cho phép của bố mẹ.
Lễ trưởng thành năm nay diễn ra (ngày 10-1) tại Tòa thị chính, đền thờ và nhiều địa điểm công cộng khác như công viên Disneyland Tokyo... Những bộ Kimono rực rỡ sắc màu lễ hội luôn để lại trong lòng người tham dự những kỷ niệm khó quên, đánh dấu thời điểm mình là "người trưởng thành". Các cô gái luôn háo hức chờ đợi ngày này để được mặc những chiếc áo Kimono rực rỡ, khoe vẻ dịu dàng và sức sống thanh xuân phơi phới. Trước ngày lễ, họ thường cùng nhau đến những ngôi chùa cổ để cầu phúc, viết lên tấm bưu thiếp những điều mong ước của bản thân và cầu nguyện.
Ngày lễ trưởng thành được luật pháp Nhật Bản quy định vào năm 1948, với nội dung "Ngày 15 tháng 1 là ngày dành để chúc mừng, khích lệ thanh niên nhận ra rằng họ đã trở thành người lớn và đã đến lúc bắt đầu một cuộc sống tự lập". Ngày nay ở mỗi vùng của Nhật Bản lại có sự khác nhau khi tổ chức ngày lễ này. Vậy tại sao người Nhật lại coi ngày lễ này là ngày để chúc mừng?
Theo một cách giải thích, vào thời kỳ hậu chiến, ở Nhật Bản ngoài vật chất và thực phẩm, thứ được coi là thiếu thốn nhất chính là "con người". Để xây dựng một quốc gia vững mạnh, các nhà lãnh đạo khi đó nghĩ rằng, bản thân mỗi người dân trong đất nước phải trưởng thành. Vì vậy, họ đã quyết định lấy ngày 1-10 để thể hiện nguyện vọng "mong muốn đối tượng có nhận thức đã trở thành người lớn" làm ngày lễ chúc mừng. Và thế là phong tục chúc mừng vào ngày lễ này tồn tại từ đó đến nay.
Lễ trưởng thành năm nay nước Nhật lại chứng kiến thêm các bằng chứng về tỷ lệ sinh sụt giảm. Các con số chính thức cho thấy, trong vòng 20 tháng qua, chưa tới 1,4 triệu thanh niên bước sang tuổi 20, chỉ hơn nhóm tuổi có số lượng ít nhất tại Nhật là 30.000 người. Lễ mừng năm nay cũng cho thấy dấu hiệu khó khăn về dân số của Nhật Bản trong tương lai, bởi số thanh niên được chính thức trở thành người lớn vào năm 2007 là ít nhất trong gần hai chục năm nay. Trên thực tế, nhóm sinh năm 2006 là nhóm tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất trong tổng dân số Nhật Bản từ trước tới nay. Dân số sụt giảm chính là lý do khiến Chính phủ Nhật Bản phải tìm cách thức mới để thuyết phục thanh niên lập gia đình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.