Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nét đẹp văn hóa Công an Thủ đô

PGS.TS Trần Viết Lưu| 30/10/2015 06:40

(HNM) - Trải qua 70 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, lực lượng Công an Thủ đô đã tô đẹp truyền thống anh hùng, là một trang vàng chủ đạo trong pho lịch sử oai hùng của Công an nhân dân Việt Nam.

Nữ CSGT làm nhiệm vụ tại ngã tư Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển. Ảnh: Ngọc Châu


Cùng với những bước thăng trầm lịch sử dân tộc nói chung, lịch sử Thủ đô nói riêng, Công an Hà Nội luôn xứng đáng là lực lượng tiên phong, gánh vác những nhiệm vụ đặc biệt khó khăn và đầy thử thách mà Đảng, Bác Hồ giao phó ngay từ trong buổi đầu khởi dựng. Nét nổi bật của hình ảnh người chiến sĩ Công an Thủ đô là: Giản dị, mưu lược, kiên cường, gần gũi với đồng bào, gìn giữ cuộc sống yên lành cho nhân dân, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô.

Công an Thủ đô vừa khánh thành Bảo tàng truyền thống Công an Thủ đô, dù đó mới chỉ là sự khởi đầu, khiêm tốn, nhưng cũng phần nào góp thêm vào rất nhiều những trang sách, những bức tranh, những tác phẩm ở nhiều thể loại nghệ thuật phản ánh bề dày truyền thống của Công an Thủ đô, làm cho những ai quan tâm tới lực lượng công an Thủ đô có được niềm cảm phục, thêm quý yêu người chiến sĩ Công an nhân dân. Gần đây, trên báo đài đã phản ánh hình ảnh người chiến sĩ công an Thủ đô đạp xe đạp đến từng hẻm phố để vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Tuy đấy chỉ là một nét mới về trang phục và phương tiện công tác, nhưng phía sau sự thay đổi ấy là chiều sâu đổi mới tư duy về góc nhìn văn hóa - văn hóa trong công vụ trong một lĩnh vực đặc biệt. Bởi vì, bấy lâu nay, trong con mắt của người dân, Công an luôn là những người "sắt đá", khi giao tiếp với dân thường trong bối cảnh người dân vi phạm quy định pháp luật, nên sự ứng xử giữa hai phía khó mà thân thiện. Không chỉ có sự thay đổi phương tiện, thái độ giao tiếp ân cần, thân thiện của công an Thủ đô khiến cho người dân cảm thấy sự dễ gần, dễ mến, nên họ thấy cần phải thực hiện pháp luật một cách tự giác.

Quan sát ngay tại những vị trí làm nhiệm vụ của các đồng chí công an giao thông, bục điều hành, cũng thấy tác phong điều hành phân luồng, xử lý vi phạm… có những nét mới. Dư luận đã có những đánh giá thiện cảm và đồng thuận với những thay đổi nêu trên. Đó là tiền đề quan trọng về đổi mới tư duy của lãnh đạo Công an TP Hà Nội trong việc triển khai thực hiện một cách thiết thực Nghị quyết số 33-NQ/TƯ (khóa XI), góp phần làm đẹp hình ảnh người chiến sĩ công an Thủ đô.

Một trong những điểm nhấn trong đổi mới tư duy đưa văn hóa vào hoạt động của lực lượng công an chính là sự ra đời Bảo tàng Công an Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 70 năm Cách mạng Tháng Tám, 61 năm Giải phóng Thủ đô. Đây không chỉ là nơi để các chiến sĩ công an Thủ đô được giáo dục về truyền thống CATP Hà Nội qua các thời kỳ mà còn là điểm đến gần gũi để người dân tìm hiểu, gắn bó và hợp tác với lực lượng Công an Hà Nội. Bảo tàng Công an Hà Nội hiện đứng thứ 41 trên tổng số 211 các điểm, hoạt động giải trí ở Hà Nội, theo đánh giá của trang Trip Advisors, trang web du lịch lớn nhất thế giới.

Bên cạnh những thành công bước đầu nêu trên, Công an Hà Nội còn có nhiều đóng góp quan trọng vào các hoạt động tuyên truyền, văn hóa nhân dịp kỷ niệm các sự kiện trọng đại của đất nước và Thủ đô. Thành công của lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cùng hàng loạt hoạt động, sự kiện văn hóa - nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô trong dịp Quốc khánh có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an Thủ đô.

Công an Hà Nội cũng rất quan tâm đến các hoạt động văn hóa nghệ thuật giàu tính nhân văn, nhân ái, có tác động sâu sắc tới xã hội, góp phần tôn vinh truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Đêm giao lưu nghệ thuật "Những bước chân lặng lẽ" được truyền hình trực tiếp trên sóng ANTV kéo dài 4 giờ. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tới dự chương trình biểu dương, đánh giá cao sáng kiến của Công an TP Hà Nội và ANTV, đã dành tặng món quà có ý nghĩa sâu sắc này để tri ân, tôn vinh những cống hiến, đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an, bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở TP Hà Nội vào truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam Anh hùng, sự phát triển chung của thành phố và cả nước.

Không chỉ quan tâm tới các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, CAHN cũng rất quan tâm mảng công tác giáo dục chính trị thông qua sinh hoạt chuyên đề, thông qua các hoạt động xã hội thiết thực. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống CAND, có gần 60 Đảng bộ trong CATP tổ chức các nội dung giáo dục chính trị, truyền thống thông qua các đoàn công tác về nguồn, báo công, thăm hỏi các di tích cách mạng, các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Một số đơn vị tổ chức các cuộc thi, giao lưu văn hóa văn nghệ, thi tìm hiểu về truyền thống CATP; tổ chức cho CBCS nghe nói chuyện thời sự, xem phim, kịch tuyên truyền về hình ảnh người chiến sĩ Công an như: CAQ Hoàn Kiếm, CAQ Hai Bà Trưng, CAQ Nam Từ Liêm, CAH Chương Mỹ, Đan Phượng, Trại tạm giam số 3…

Hà Nội đang đứng trước thềm Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI; trong phương hướng, nhiệm vụ của thành phố, có một nhiệm vụ rất quan trọng là quyết tâm giữ vững sự bình yên, bảo đảm môi trường hòa bình, để Hà Nội thực sự là hiện minh của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Và tới đây, Hà Nội sẽ là nơi vinh dự góp phần vào thành công chung của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Do vậy, những đổi mới về văn hóa của Thủ đô chắc chắn sẽ là một cánh hoa tô điểm cho đóa hoa đại thành công của sự kiện chính trị trọng đại này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa Công an Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.