LTS: Từ tháng 7-2010 đến hết tháng 4-2011, Báo Hànộimới phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ TP Hà Nội) tổ chức cuộc thi viết
Cổ Đô (Ba Vì-Hà Nội) nổi tiếng là làng văn hóa, làng khoa bảng, làng họa sĩ. Mảnh đất này, là nơi hội tụ tới gần sáu chục người thường xuyên vẽ tranh, 16 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong số đó không thể không kể đến họa sĩ, thương binh Nguyễn Ngọc Cũi - một trong những tấm gương vượt khó cống hiến cho nghệ thuật của làng Cổ Đô.
Học hết lớp 8, như bao thanh niên khác, ông Nguyễn Ngọc Cũi lên đường nhập ngũ. Bom đạn không có mắt, sau một trận chiến đấu, ông bị gãy xương hàm, phải đục xương chậu và tháo hết các đốt xương tay phải. Trở về quê hương với mức thương tật được xếp loại 1/4, cánh tay phải không còn khả năng lao động và vẽ tranh nữa, nhưng với niềm đam mê từ nhỏ, ông không lùi bước, chịu khó tập cầm cọ, vẽ tranh bằng tay trái. Ban đầu rất khó khăn, cầm cọ bằng tay chiêu nên nét vẽ nguệch ngoạc. Bức này hỏng, ông lại vẽ bức khác. Khó khăn không làm nản lòng người nghệ sĩ tài ba. Sau một thời gian dài luyện tập, cùng với sự động viên giúp đỡ của gia đình, sự cố gắng không mệt mỏi của ông Nguyễn Ngọc Cũi đã có kết quả. Nhiều bức tranh được vẽ bằng tay trái đã ra đời, ngôi nhà của ông đã trở thành một phòng tranh đồ sộ, từ phòng khách đến giường ngủ tràn ngập tranh của ông. Trong số đó có nhiều bức được chọn in trên các tạp chí của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tây (cũ) và ông trở thành thành viên của hội năm 1981.
Nhìn căn nhà treo kín tranh, không ai nghĩ nó lại được tạo nên bởi một thương binh 1/4 . Ông Nguyễn Ngọc Cũi cho biết: "Tôi đã cố gắng nhiều hơn để bù đắp lại thiệt thòi do chiến tranh gây ra, bởi niềm đam mê hội họa, mong muốn giữ lại cái nghiệp của gia đình và là tấm gương cho các con noi theo". Hiện nay cả ba con trai ông Nguyễn Ngọc Cũi đều làm việc liên quan đến nghệ thuật. Trong đó có con trai thứ hai đã tốt nghiệp ĐH Kiến trúc và nay là một nhà điêu khắc. Ông Nguyễn Ngọc Cũi là điển hình cho nhiều họa sĩ khác của Cổ Đô đã đến với nghệ thuật bằng con đường tự học, tự rèn mà thành danh, đến với nghệ thuật bằng niềm đam mê và sự nỗ lực tự vượt lên chính mình.
Mong muốn của ông Nguyễn Ngọc Cũi và các lớp họa sĩ Cổ Đô là biến nơi đây thành điểm du lịch làng nghề trong tương lai và giờ đây họ đang cùng nhau góp sức thực hiện điều đó. Hằng năm, họa sĩ Nguyễn Ngọc Cũi cùng lớp họa sĩ làng có tên tuổi như Nguyễn Thế Luân, Nguyễn Khắc Yên, Nguyễn Tùng… nhận trên dưới 30 học sinh để truyền nghề. Từ những lớp học đơn sơ ấy, số người thi đậu vào các trường nghệ thuật ngày càng tăng, đã có 20 người trong làng trở thành giáo viên hội họa; gần 20 người đang theo học mỹ thuật tại các trường đào tạo trong cả nước. Những bức vẽ của họa sĩ làng dần vượt ra khỏi phòng tranh gia đình, đi khắp nơi bổ sung vào bộ sưu tập của những người yêu thích nghệ thuật và hội họa trong, ngoài nước.
Với những đóng góp không nhỏ của họa sĩ, thương binh Nguyễn Ngọc Cũi và các lớp họa sĩ Cổ Đô, chắc chắn đất này sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa về một làng hội họa của xứ Đoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.