Ngày đó ở quê tôi, vùng chiêm trũng đói nghèo, muốn mua được quyển sách mới là cả một vấn đề. Ấy thế mà tôi dám thổ lộ với ba rằng tôi muốn mua cuốn từ điển Anh - Việt dày 2.000 trang.
Ba tôi làm gạch thuê, tiền công chẳng được là bao. Nhưng thương con, ba cũng xoay được số tiền để mua sách. Mua sách về rồi, hai cha con nâng niu trầm trồ và ba nói sẽ viết lời đề tặng tôi. Nhưng lúc đó tôi đã làm một việc thật ngốc nghếch. Tôi nói: "Đừng ba, quyển sách mới thế này mà mình ghi vào thì nó sẽ mất giá trị...". Đầu óc một đứa con gái 11 tuổi như tôi nào biết rằng có ngày mình sẽ phải xa ba mãi mãi, còn sách thì sẽ có cơ hội mua biết bao nhiêu cuốn nữa.
Tôi chỉ cho ba ghi lời đề tặng ở trang cuối cuốn sách, nơi chẳng ai nhìn thấy. Chiều lòng tôi, ba cũng ghi lời đề tặng với một nét buồn ánh lên trong mắt. Nhưng tôi đã kịp nhìn thấy ánh mắt ấy và sửa sai. Buổi tối, tôi ôm cuốn sách đến cạnh ba và lần nữa đề nghị ba ghi lại lời đề tặng vào phía trước. Lúc đó tôi chưa bao giờ nghĩ rằng dòng chữ xiên xiên của ba sẽ in đậm trong tâm trí suốt đời mình. Sau này, mỗi khi tra cứu, những dòng chữ của ba luôn gợi lên trong lòng tôi nỗi ăn năn đồng thời cũng làm tôi cảm thấy ấm lòng như có ba bên cạnh.
Một chuyện trớ trêu nữa là ngày còn bé (thời mới tập viết o, a), thừa lúc ba sơ ý, tôi đã cầm bút vẽ nguệch ngoạc vào quyển thơ Kiều của ba. Đó là báu vật duy nhất ông nội để lại cho ba và ba giữ nó hơn bất cứ vật gì quý giá nhất. Vậy mà ba không đánh, mắng tôi, chỉ thì thầm vào tai tôi rằng: "Đây là kỷ vật của ông mà ba hằng trân trọng". Thế mới biết lòng cha mẹ yêu con, thương con vô điều kiện.
Bạn ơi, nếu bạn còn cha mẹ trên đời, xin hãy đừng bao giờ phạm phải sai lầm như tôi: yêu quý đồ vật hơn cả cha mẹ để rồi có lần phải rơi nước mắt khi viết lại những dòng chữ này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.