Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên xuất khẩu chính ngạch

Lam Giang| 30/10/2021 07:41

(HNM) - Thời gian qua, xuất khẩu tiểu ngạch tới thị trường Trung Quốc vẫn rất phổ biến do nhiều doanh nghiệp quan niệm đây là thị trường dễ tính. Các giao dịch tiểu ngạch chủ yếu thực hiện qua trao đổi tại các cặp chợ đường biên với hình thức doanh nghiệp tự mang hàng tới chào bán, hợp đồng được thỏa thuận miệng, tiềm ẩn rủi ro như bị ép giá hay bị trả hàng, nhiều trường hợp phải “bán tống, bán tháo”…

Tuy nhiên, do tính chất nhanh gọn, thuận tiện nên nhiều doanh nghiệp vẫn lựa chọn phương thức xuất khẩu này. Song gần đây, khi Trung Quốc siết chặt quản lý xuất, nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh thì xuất khẩu qua đường tiểu ngạch ngày càng phát sinh bất lợi với doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dù được đánh giá là rất tiềm năng nhưng thiếu tính bền vững.

Thực tế, khi hàng hóa xuất khẩu chính ngạch theo hợp đồng, việc giao hàng diễn ra tại cửa khẩu chính, các điều kiện giao hàng rõ ràng, quy cách hàng hóa đáp ứng quy định của nước nhập khẩu... nên khả năng thông quan thuận lợi hơn nhiều so với hàng xuất theo đường tiểu ngạch.

Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh phương thức xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch tới thị trường Trung Quốc nhằm tránh tồn đọng hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu cũng như hạn chế rủi ro.

Trường hợp vì lý do khách quan chưa thể chuyển ngay sang xuất khẩu chính ngạch, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, chỉ chuyển hàng lên biên giới khi đã có thỏa thuận chắc chắn với đối tác mua hàng.

Xuất khẩu chính ngạch rõ ràng là hướng đi hiệu quả, bền vững. Để làm được điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức, đồng thời phải nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên xuất khẩu chính ngạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.