(HNMO) – Các quy định về phát triển nhà công vụ, đặc biệt là việc mở rộng đối tượng được thuê nhà công vụ đã thu hút nhiều ý kiến góp ý trong phiên thảo luận sáng 24-10 của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật nhà ở.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Huỳnh Văn Tính phát biểu ý kiến trong phiên họp chiều 23/10. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN. |
Các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết thông qua dự án luật Nhà ở, coi đây là một khung pháp lý quan trọng góp phần giải quyết những bất cập hiện nay trong việc phát triển, quản lý nhà ở, đặc biệt là về xây dựng nhà ở và đất xây dựng. Tuy nhiên, một số đại biểu lưu ý, bộ luật Dân sự là cái gốc lại được thông qua sau, nên nếu thông qua luật này tại kỳ họp này mà các luật về sau thiếu đồng bộ thì chắc chắn sẽ mâu thuẫn.
Đáng chú ý, về vấn đề nhà công vụ, nhiều ý kiến băn khoăn với các quy định mở rộng đối tượng được thuê loại nhà này.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Bình Dương, các quy định về phát triển nhà công vụ trong dự án luật chưa khắc phục được việc bao cấp của nhà nước, chưa tạo được sự công bằng, cũng như chưa phát huy được tính tích cực của mỗi người trong phát triển nhà ở.
“Quy định diện đối tượng thuê nhà như dự luật là quá rộng, gây khó khăn trong việc xây dựng, cân đối ngân sách. Qua khảo sát hiện nay, những người ở nhà công vụ đang được hưởng nhiều ưu đãi về giá thuê nhà, dịch vụ…, tạo ra sự không công bằng giữa những người địa phương có cùng chức vụ, chính sách với những người được thuê nhà công vụ”, đại biểu Hồng nói.
Đại biểu Hồng đề nghị thu hẹp diện đối tượng được thuê nhà công vụ, chỉ gồm những lãnh đạo cấp cao của nhà nước, một số người giữ nhiệm vụ an ninh nhưng không thể ở tập trung trong doanh trại... Đồng thời, quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà và những người sống chung.
Đại biểu Lê Nam – Thanh Hóa cũng đề nghị cân nhắc có nên đặt vấn đề phát triển nhà công vụ hay không? Theo ông, phát triển nhà ở xã hội thì cần nhưng phát triển nhà công vụ thì nên tính toán. Các quy định trong dự luật mở quá rộng đối tượng được hưởng, như vậy Nhà nước có kham nổi không trong điều kiện ngân sách hiện nay?
“Theo tôi, chúng ta nên tính toán lại đối tượng được sử dụng nhà công vụ. Quan điểm của chúng ta về phát triển nhà công vụ, nhà ở xã hội là rất tốt, nhân văn nhưng nếu quy định như dự luật là chúng ta lo hết, từ quan đến dân…”, đại biểu Nam nói.
Đồng thời, đại biểu Nam cũng lưu ý đến thực trạng sử dụng rất lãng phí đất xây dựng hiện nay. Đại biểu nhận xét, quy hoạch của chúng ta rất dễ dàng trong điều chỉnh, nói là phát triển, sử dụng đất theo quy hoạch, tưởng như rất chặt chẽ, có căn cứ, nhưng lại không đúng thực tế.
“Các quy định trong dự luật dường như mới dừng ở việc khuyến khích phát triển đất xây dựng, sử dụng đất xây dựng mà chưa có định chế hạn chế sử dụng đất xây dựng, trong khi thực tế, từ xã đến tỉnh, đâu đâu cũng đang tranh thủ bán đất để tạo nguồn thu cho ngân sách”, đại biểu Nam nói.
Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – Hòa Bình, chính sách phát triển nhà công vụ phải công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của Quốc hội , HĐND trong việc đầu tư, sử dụng nhà công vụ.
Nhất trí với việc thu hẹp đối tượng sử dụng nhà công vụ, đại biểu Sinh đề xuất, ở Trung ương, diện đối tượng được ở nhà công vụ chỉ nên từ hàm bộ trưởng và tương đương trở lên; ở địa phương, chỉ xây nhà công vụ ở những nơi chưa có nhà ở thương mại, đối tượng được hưởng do HĐND tỉnh quy định, như vậy, vừa đảm bảo cán bộ có nhà ở, vừa tránh thất thoát, lãng phí đất đai, đồng thời tăng cường tính tự chủ của địa phương trong công tác này.
Đại biểu Chu Sơn Hà – Hà Nội cũng băn khoăn với tính khả thi khi mở rộng đối tượng thuê nhà công vụ. Theo ông, nếu chính sách của Nhà nước tạo điều kiện về nhà ở công vụ cho những người đi nhận nhiệm vụ ở những nơi thuận lợi thì không phù hợp lắm.
“Tôi lấy ví dụ, các đồng chí về công tác ở nội thành Hà Nội thường không chịu cảnh mất điện, được hưởng nước sạch, chữa bệnh ở những bệnh viện có trình độ y tế cao, con cái được học ở các trường chất lượng cao…, những cái đó không tính được bằng tiền. Chúng ta nên xem xét các đối tượng công tác ở vùng sâu, vùng xa, như vậy mới đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi”, đại biểu Hà phân tích.
Đồng thời, đại biểu Hà lưu ý có hiện tượng một số đối tượng được ở nhà công vụ khi nhận nhiệm vụ mới không trả lại nhà. Do đó, dự luật cần quy định rõ mô hình chủ sở hữu nhà ở công vụ để khi có vi phạm, chủ sỡ hữu có thể khởi kiện ra tòa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.