(HNM) - Một trong những kết quả nổi bật của ngành giáo dục Thủ đô giai đoạn 2010-2015 là việc đầu tư xây dựng trường học theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị trong một chặng đường dài, làm nền tảng
Dẫn đầu cả nước về tỷ lệ trường chuẩn
Năm năm qua, giáo dục Thủ đô tiếp tục có nhiều chuyển biến về mọi mặt, dẫn đầu cả nước về quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp và chất lượng giáo dục. Đây là những thành quả quan trọng, khẳng định vị thế "đầu tàu" về giáo dục trong nhiều năm qua của Thủ đô, đồng thời góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước trong những năm qua.
Một giờ học của học sinh Trường chuẩn quốc gia THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy). |
Kết quả trên có sự góp sức quan trọng của toàn hệ thống chính trị trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trong suốt 5 năm qua. Cùng với việc coi trọng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đây được coi là yếu tố không thể thiếu nhằm xây dựng môi trường sư phạm khang trang, đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đây là giai đoạn Hà Nội tập trung nguồn lực rất lớn để cải thiện điều kiện dạy và học cho các nhà trường. Hơn 2.600 tỷ đồng đã được đầu tư cho việc kiên cố hóa trường lớp học; kinh phí mua sắm thiết bị dạy học là hơn 700 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu có từ 50% đến 55% số trường đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết HĐND thành phố đề ra, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện, với lộ trình, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể từng năm. Cũng nhờ sự nỗ lực này mà số trường đạt chuẩn quốc gia liên tục tăng qua các giai đoạn. Cụ thể, trong 12 năm (từ 1997 đến 2008), bình quân mỗi năm Hà Nội có thêm 36 trường đạt chuẩn quốc gia, thì đến giai đoạn 2009-2011 là 72 trường/năm, giai đoạn từ năm 2012 đến nay, số trường chuẩn quốc gia tăng bình quân hằng năm ở mức kỷ lục với 118 trường.
Thống kê của Sở GD-ĐT cho thấy, toàn thành phố hiện có 1.053 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50,9% tổng số trường. Ước tính, tỷ lệ này sẽ tăng lên khoảng 53% vào cuối năm nay, đưa Hà Nội là địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, so với tỷ lệ trung bình của cả nước là 35%.
Nỗ lực gỡ khó với "3 rõ"
Dường như ít có đầu việc nào lại huy động sự tập trung công sức, trí tuệ và thời gian của cả hệ thống chính trị trong cả một chặng đường dài như vậy. Trong suốt 5 năm, cứ định kỳ 3 tháng một lần, đại diện Ban Giám đốc Sở GD-ĐT và lãnh đạo các sở, ngành liên quan lại giao ban với 30 quận, huyện, thị xã kiểm điểm về tình hình triển khai ở các địa phương. Tiến độ xây dựng trường chuẩn của từng đơn vị được kiểm duyệt sát sao, chặt chẽ. Những nơi chậm tiến độ được "khoanh vùng" để cùng xác định nguyên nhân, tìm giải pháp kịp thời hỗ trợ. Chủ trương được Hà Nội kiên trì trong những năm qua và đã đạt hiệu quả tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn ở cơ sở là "3 rõ", gồm rõ kinh phí, rõ lộ trình và rõ trách nhiệm. Mỗi cá nhân, bộ phận tham gia vào việc xây dựng một ngôi trường đạt chuẩn đều nắm rõ phần việc của mình. Việc đùn đẩy trách nhiệm không còn. Hiệu quả công việc được cải thiện rõ rệt.
Quá trình triển khai xây dựng trường chuẩn cho thấy, hai khó khăn được "điểm mặt, chỉ tên" nhiều nhất là thiếu kinh phí và thiếu mặt bằng. Đối với đa phần các trường khu vực nội thành là thiếu đất, còn đối với các trường ngoại thành, rào cản lớn nhất là kinh phí. Sở GD-ĐT cùng với các đơn vị liên quan đã tham mưu thành phố nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế để tháo gỡ khó khăn này. Với các trường trong khu vực nội thành không còn quỹ đất để mở rộng quy mô, cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chuẩn, được sự chấp thuận của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo thành phố đã chính thức cho phép các trường này được nâng tầng. Tiêu chí về tính diện tích mặt sàn được thay bằng diện tích sử dụng thực tế của học sinh. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội dành sự quan tâm đầu tư lớn nhất nhằm cải thiện cơ sở vật chất trường lớp cho các trường học thuộc các huyện để cải tạo, xây mới thay thế hơn 5.700 phòng học tạm, phòng học cấp 4 xuống cấp. Với 5 huyện đặc biệt khó khăn, Sở GD-ĐT tham mưu thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ riêng, nhằm giúp cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn.
Các nhà trường cũng đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng trường chuẩn quốc gia. Bên cạnh việc tích cực tham mưu để có được các điều kiện về cơ sở vật chất đúng chuẩn, ban giám hiệu các trường đã có nhiều giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí của trường chuẩn như nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cải thiện chất lượng giáo dục, tăng cường xã hội hóa, tạo mọi điều kiện về chăm sóc, giáo dục tốt nhất cho học sinh. Từ những điều kiện bảo đảm chất lượng đồng bộ, đúng chuẩn, chất lượng giáo dục của mỗi nhà trường đều có chuyển biến mạnh và toàn diện, góp phần quan trọng trong việc giữ vững vị thế "đầu tàu" của giáo dục Thủ đô những năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.