Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nên tăng quyền tự chủ

Hiền Chi| 20/12/2011 07:11

(HNM) - Cải cách tài chính công là một trong 5 mục tiêu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) 10 năm trước nhưng kết quả chưa như mong đợi.


Thời gian qua, các đơn vị công lập đã thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền TCTCTN về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Hiệu quả là bước đầu đã đổi mới cơ chế phân cấp quản lý ngân sách theo hướng tăng quyền chủ động cho địa phương, bộ, ngành, các đơn vị sử dụng ngân sách; thực hiện công khai, minh bạch về tài chính công... Tuy nhiên, việc thực hiện theo Nghị định 43 cũng đã bộc lộ những bất cập. Cụ thể, cơ chế TCTCTN về tài chính đối với các trường ĐH công lập theo Nghị định 43 chưa làm rõ trách nhiệm chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà nước và người học, còn nặng tính bình quân, chưa gắn với các tiêu chí bảo đảm chất lượng; cơ sở giáo dục chất lượng cao không được thu học phí cao nên không khuyến khích các trường đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng.


Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các bệnh viện công lập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ là một trong những đề án thiết thực và hiệu quả.Ảnh: Linh Tâm

Theo quy định, trường ĐH công lập được phân làm 3 loại: tự bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên; bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và do ngân sách nhà nước bảo đảm. Theo ông Vũ Văn Thiệp, chuyên gia tư vấn (Bộ GD-ĐT): "Việc quy định mức thu học phí và quản lý nguồn thu từ học phí của ba loại này giống nhau là không bình đẳng, gây khó khăn đối với các trường tự bảo đảm chi phí hoạt động. Cũng chính vì sự không hợp lý này mà hằng năm Nhà nước vẫn phải cấp bù kinh phí chi thường xuyên cho nhiều trường tự bảo đảm kinh phí hoạt động. Ngay trong cùng một loại trường tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động cũng có sự khác biệt lớn về quy mô, kinh nghiệm quản trị, trình độ năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất và dải chênh lệch thu - chi tài chính rất rộng từ trên 10% đến dưới 100%, nghĩa là điều kiện thực hiện quyền TCTCTN rất khác nhau nhưng lại được điều chỉnh chung một nội dung, mức độ tự chủ giống nhau là không phù hợp". Đây cũng là khó khăn đối với lĩnh vực y tế khi mỗi bệnh viện (BV) đều có sự khác biệt về quy mô giường bệnh, trình độ đội ngũ thầy thuốc, trang thiết bị lại áp dụng chung quyền TCTCTN. Điển hình là tuyến trung ương (TƯ) với tuyến huyện lại chịu điều chỉnh chung bởi nội dung và mức độ tự chủ giống nhau là chưa phù hợp. Nghị định 43 quy định đối tượng áp dụng rất rộng cho tất cả các lĩnh vực sự nghiệp dịch vụ công nên chưa thể hiện rõ tính chất, đặc điểm và điều kiện thực hiện của các đơn vị sự nghiệp y tế nói chung và các BV công lập nói riêng.

Đổi mới để nâng chất lượng

Hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo (lần II) Đề án Thí điểm đổi mới cơ chế giao quyền TCTCTN tại các BV công lập. Cả nước hiện có 1.024 BV công, được phân thành 5 hạng: hạng đặc biệt, hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV và hạng V (phân theo phân cấp quản lý hành chính và phân tuyến kỹ thuật từ TƯ đến địa phương). Theo đề án mới, Bộ Y tế đề xuất phân thành 3 nhóm: BV được giao quyền tự chủ hoàn toàn (nhóm I) gồm các BV tuyến TƯ và các BV thuộc các TP trực thuộc TƯ; BV chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn (nhóm II) gồm các BV tuyến tỉnh; nhóm III gồm các BV tuyến huyện, các BV chuyên khoa đặc thù (phong, tâm thần, lao). Mỗi nhóm có cơ chế riêng về TCTCTN về hoạt động chuyên môn, nhân sự, tài chính... Đề án này thể hiện nguyên tắc áp giá: chi phí nào do BV phải tiết kiệm, chi phí nào người bệnh phải chi trả, chi phí nào bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chi trả. Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng khung giá và giá dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ, bảo đảm rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và phần đóng góp của người dân trong giá dịch vụ, phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh ở các vùng có mức thu nhập khác nhau, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Dự thảo (lần VII) Đề án Thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế TCTCTN đối với trường ĐH công lập cũng nêu rõ cơ chế TCTCTN về mở ngành đào tạo, tuyển sinh, về văn bằng, chứng chỉ, khoản thu, mức thu... Đề án được thực hiện dựa trên nguyên tắc: Nhà nước bảo đảm vai trò đầu tư chủ yếu đối với sự phát triển của các trường ĐH công lập; trường ĐH thí điểm phải cam kết rõ trách nhiệm xã hội, thực hiện chế độ chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội và tăng sự minh bạch, công bằng. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2012, khoảng 5% trường ĐH công lập được thí điểm đổi mới thực hiện cơ chế TCTCTN; năm 2016, con số này là 50% và từ năm 2020 triển khai thực hiện TCTCTN cho toàn bộ hệ thống trường ĐH công lập.

Theo các chuyên gia, việc các đơn vị công lập không được hưởng quyền tự chủ là một trong những nguyên nhân dẫn tới không thể cung cấp được dịch vụ chất lượng cao và thu hút cán bộ giỏi. Do vậy, các dự thảo đề án đổi mới TCTCTN được đưa ra vào thời điểm này được xem là hợp thời điểm khi Chính phủ vừa ra Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, trong đó xác định chất lượng dịch vụ công là một trong 3 mục tiêu trọng tâm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nên tăng quyền tự chủ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.