Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng phát triển bền vững

Thiện Mỹ| 03/11/2021 06:06

(HNM) - Những năm qua, nhờ đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông nghiệp Hà Nội có nhiều bước chuyển tích cực, góp phần thúc đẩy, nâng cao giá trị tăng trưởng và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Thủ đô gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả.

Thành quả này một phần đến từ vai trò “cầu nối” của lực lượng khuyến nông thành phố đã nỗ lực chuyển giao tiến bộ về kỹ thuật, về tổ chức sản xuất đến với hộ nông dân, hợp tác xã. Qua đó làm thay đổi nhận thức, giúp nông dân tiếp thu khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Vì thế, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình áp dụng phương thức sản xuất mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất, vừa giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí, vừa mang lại giá trị cao cho nông sản. Qua quá trình triển khai, đến nay, Hà Nội đã có 164 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản phẩm chiếm khoảng 32% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố...

Song, công tác khuyến nông hiện vẫn gặp những khó khăn nhất định bởi cơ chế, chính sách dành cho lĩnh vực này chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn; việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật chưa tương xứng với tiềm năng, thậm chí đôi khi còn thiếu chủ động, nặng về lý thuyết nên tính ứng dụng chưa cao...

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng; an ninh lương thực là vấn đề được toàn cầu coi trọng và thực tế đã chứng minh, ứng dụng khoa học kỹ thuật sẽ nuôi dưỡng, phát triển một nền nông nghiệp bền vững... Vì thế, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu.

Do tính đặc thù nên mỗi địa phương, vùng, miền cần lựa chọn những cây, con chủ lực, có giá trị kinh tế cao để đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi mỗi mô hình, dự án kết thúc, các cơ quan liên quan cần tổ chức đánh giá, phân tích, chỉ ra những mặt được, chưa được và thông tin cụ thể để người nông dân thấy rõ tính ưu việt khi áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như rút kinh nghiệm trong triển khai. Tính hiệu quả thực tiễn sẽ kích thích nông dân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất đại trà.

Nhằm tạo động lực cho việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, các cấp, các ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân mạnh dạn dám làm, dám mạo hiểm khi đi trước, đón đầu những xu hướng mới. Nhà nước cần khuyến khích thông qua cơ chế về đất đai, nguồn vốn... tạo ra những doanh nghiệp, hợp tác xã “đầu tàu” ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm công tác khuyến nông cũng cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất để thêm điều kiện thực hành; được thường xuyên nâng cao nghiệp vụ, được tiếp cận kiến thức mới... Đồng thời, mỗi cán bộ khuyến nông cũng phải chủ động tìm tòi những ứng dụng có tính thiết thực cao áp vào thực tiễn... Làm tốt điều này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các đơn vị khuyến nông với doanh nghiệp, nông dân, từ đó, cùng mang lại lợi ích cho các bên.

Trong hoạt động khuyến nông, người sản xuất nông nghiệp là chủ thể được thụ hưởng việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật nên cần tuân thủ hướng dẫn một cách nghiêm ngặt. Với 20 dạng mô hình được triển khai trong năm nay, 1.263 hộ nông dân tham gia cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan khuyến nông, trao đổi thường xuyên để đạt hiệu quả cao nhất.

Với những lợi ích trên nhiều mặt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là xu hướng tất yếu, mở ra con đường ngắn nhất để xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.