(HNM) - Qua 8 năm triển khai, các nhiệm vụ của Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 8-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu có liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (gọi tắt là Đề án 896) đã hoàn thành, góp phần tạo bước đột phá trong quản lý dân cư từ thủ công sang hiện đại. Đây là nền tảng để triển khai các phương án cải cách hành chính, xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, xã hội số.
Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 896 cho biết, sau khi ban hành Đề án 896, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Ban Chỉ đạo 896 các cấp đã chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ của đề án. Tổng thể chung, 57/57 nhiệm vụ của đề án đã hoàn thành. Trong đó việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân để lại những dấu ấn nổi bật.
Theo số liệu công bố cuối tháng 4 vừa qua, tổng số nhân khẩu thường trú cả nước là 98.736.106 nhân khẩu. Từ ngày 1-3-2021 đến nay, lực lượng công an cả nước đã thu nhận trên 30.000.000 hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử, mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, phấn đấu đến ngày 1-7-2021, cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân.
Bà Nguyễn Thị Thuận ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy chia sẻ, thủ tục làm căn cước công dân rất nhanh gọn. Công an phường Yên Hòa chia điểm cấp, chia giờ cấp, hẹn công dân giờ đến nên các bước điền thông tin, chụp hình và lăn dấu vân tay chỉ chưa đầy 20 phút. Khi có căn cước công dân gắn chíp điện tử nếu có đi đâu, làm gì không cần mang nhiều giấy tờ.
Về cấp số định danh cá nhân thông qua giấy khai sinh cho trẻ em mới sinh, thực hiện nhập thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tính đến hết ngày 24-3-2021, hệ thống của Bộ Tư pháp đã cung cấp 5.454.937 dữ liệu đăng ký khai sinh hợp lệ của công dân Việt Nam tương ứng với 5.454.937 số định danh cá nhân được cấp cho trẻ em đăng ký khai sinh tại 63 tỉnh, thành phố.
Đồng thời, hơn 16 triệu thông tin công dân (thông tin của cha, mẹ trẻ em) là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được nhập. Tương tự, với nhiệm vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong tổng số 1.934 thủ tục hành chính có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết, các bộ, ngành đã đề xuất đơn giản hóa 1.126 thủ tục hành chính, chiếm 58,2%.
Tuy nhiên, theo Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án 896, vẫn còn một số vấn đề tồn tại như việc liên thông, chia sẻ dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và dữ liệu giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn gặp khó khăn. Chưa có cơ chế thống nhất xử lý với các trường hợp dữ liệu công dân có sai lệch (sai thông tin giữa giấy tờ tùy thân với hộ khẩu), dẫn đến gia tăng thủ tục hành chính không đáng có, gây sức ép cho người dân, khó bảo đảm chất lượng đăng ký hộ tịch.
Năm 2021 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là năm tiếp tục đưa Đề án 896 vào thực tiễn để hướng tới xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để hoàn thành việc xây dựng chính phủ điện tử trong thời gian tiếp theo, các bộ, ngành trung ương và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh rà soát các dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 đang cung cấp để đề xuất phương án nâng cấp dịch vụ công lên mức độ 3, 4 phù hợp với điều kiện và khả năng đáp ứng trong thực tiễn.
Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, bảo đảm thống nhất và phục vụ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ tịch đối với các trường hợp đặc biệt. Tất cả vì nhiệm vụ chung, mục đích cao nhất là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.