Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền móng cho cạnh tranh và phát triển

Quỳnh Dương| 01/01/2023 06:42

(HNMCT) - Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa là động lực tăng trưởng kinh tế. Vì thế, nhiều quốc gia coi công nghiệp văn hóa là mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển... Đào tạo nguồn nhân lực được coi là khâu nền móng để lĩnh vực này góp phần tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Ngành công nghiệp văn hóa đang có nhu cầu lớn về nhân lực.

Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ tài năng sáng tạo tới sử dụng tiềm năng văn hóa kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra sản phẩm, dịch vụ văn hóa. Do đó, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này là rất lớn. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), mỗi năm, ngành CNVH làm ra hơn 2,2 tỷ USD, bằng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và thu hút khoảng 30 triệu lao động. Doanh thu của ngành CNVH vượt qua cả lĩnh vực dịch vụ viễn thông và số lượng lao động cũng nhiều hơn so với ngành công nghiệp ô tô của châu Âu, Nhật Bản và Mỹ cộng lại.

Sở dĩ nhu cầu lao động hoạt động trong mảng CNVH liên tục gia tăng bởi tính chất liên kết dây chuyền của nhiều lĩnh vực trong ngành. Ví dụ, để hình thành một ngành công nghiệp điện ảnh, phải có sự liên kết một cách đồng bộ, chuyên nghiệp giữa thành phần sáng tạo điện ảnh (đạo diễn, biên kịch, diễn viên...), khai thác giá trị văn hóa, kết hợp với sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ năng kinh doanh (xây dựng thương hiệu cho bộ phim, diễn viên, tổ chức sự kiện, phát triển khán giả...). Và, để ngành CNVH có thể phát triển mạnh mẽ, bền vững, khâu nền móng, tức là lực lượng lao động, cần có sự bài bản và chuyên nghiệp.

Tại các nước phát triển, đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực phục vụ phát triển CNVH đã được chú ý từ lâu. Ngoài tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo, thu hút nhân tài, nhiều quốc gia cũng xây dựng chính sách cụ thể cho từng ngành nghề. Tại Pháp, chính quyền các địa phương quan tâm đến giáo dục nghệ thuật từ trường tiểu học thông qua các tổ chức của vùng (trường âm nhạc, phòng hòa nhạc). Việc giáo dục nghệ thuật giúp giới trẻ hiểu biết về lịch sử nghệ thuật và các tác phẩm văn hóa, qua đó định hướng sở thích nghệ thuật và thực hành các hoạt động văn hóa khi trưởng thành.

Tại Anh, học sinh cũng được học để biết chơi nhạc cụ, vẽ tranh, múa, diễn xuất, đồng thời trải nghiệm các tác phẩm vĩ đại. Tất cả những kỹ năng đó sẽ góp phần nuôi dưỡng đam mê, mở cánh cửa sự nghiệp cho các tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Một số chương trình tiêu biểu được chính phủ Anh hỗ trợ như Artsmark (ghi nhận các chương trình giáo dục nghệ thuật xuất sắc tại trường học), mạng lưới quốc gia 123 Music Education Hub (nâng cao chất lượng giáo dục âm nhạc tại các địa phương). Chính phủ cũng tài trợ cho các công ty múa và nhạc kịch dành cho thiếu nhi, chương trình Trường học Di sản, giúp trẻ em học về lịch sử khu vực mình sinh sống. Hầu hết các tổ chức văn hóa và di sản tại Anh đều xây dựng và triển khai các sáng kiến giáo dục.

Trong bối cảnh quá trình đổi mới công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành CNVH càng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Ví dụ như lĩnh vực nghe nhìn và biểu diễn trực tiếp hơn một thập kỷ qua đã có những thay đổi căn bản bởi tác động của toàn cầu hóa thị trường và khán giả, cũng như tốc độ số hóa. Điều này khiến các bộ phận trong ngành phải điều chỉnh cách làm việc, chuyển đổi mô hình kinh doanh, và thậm chí là cả nội dung cung cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa của Ủy ban châu Âu (EC), phát thanh, truyền hình và sản xuất phim đã phải điều chỉnh các kênh phân phối mới và các phương thức tương tác mới với khán giả. Môi trường kỹ thuật số đã mở ra các lộ trình phát triển mới (tiếp thị theo hướng dữ liệu, phát trực tiếp và các mô hình quay video khác...) và đưa ra những quan điểm mới trong chính lĩnh vực sáng tạo (nền tảng nghệ thuật kỹ thuật số, các tác phẩm được tuyển chọn đặc biệt cho môi trường trực tuyến...). Để thích nghi với sự đổi mới, lực lượng lao động phải học hỏi và trau dồi các loại kỹ năng như kỹ thuật thiết kế, sử dụng công cụ nền tảng kỹ thuật số; kỹ năng quản lý phát triển và triển khai quy trình sản xuất mới; kỹ năng sáng tạo để cung cấp nội dung trong môi trường kỹ thuật số... 

Để hỗ trợ phát triển những kỹ năng đó, nhiều tổ chức tại châu Âu đã xây dựng chương trình đào tạo góp phần vào động lực chuyển đổi của ngành CNVH và sáng tạo. Trung tâm Dịch vụ chuyển giao & hướng nghiệp (CTC) của Đại học Nghệ thuật Berlin (Đức), được tài trợ thông qua Quỹ xã hội châu Âu, hiện đang tổ chức miễn phí các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng dành cho sinh viên tốt nghiệp từ 4 trường đại học: Đại học Nghệ thuật Berlin, Trường Nghệ thuật Berlin Weissensee, Trường Âm nhạc Berlin và Học viện Nghệ thuật sân khấu “Ernst Busch”. Tại Anh, Học viện Kỹ năng NextGen đã được chính phủ và các hiệp hội phim hoạt hình thành lập từ năm 2014 để bù đắp những thiếu hụt về kỹ năng làm việc trong lĩnh vực này khi môi trường công nghệ kỹ thuật số phát triển.

Nhìn chung, việc đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong ngành CNVH, dự báo chính xác sự biến động về nguồn nhân lực để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển CNVH một cách vững vàng, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền móng cho cạnh tranh và phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.